DIỄN TẬP KHU VỰC PHÒNG THỦ TỈNH:

Ninh Thuận những ngày “thời chiến”

Đúng 6h30 ngày 24-8-2011, Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 đã chính thức phát lệnh diễn tập khu vực phòng thủ năm 2011 của tỉnh (PT-11). Đây là cuộc diễn tập với quy mô lớn nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan chức năng làm tham mưu theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị.

(NTO) “Nóng” từ các phiên họp

Ngày N-150. “Thổ Chu, Thổ Chu, Cồn Cỏ, Cồn Cỏ...” Tiếng trực ban tác chiến Bộ CHQS tỉnh vang lên phá vỡ không khí yên tĩnh hàng ngày.

Thực hành quyết tâm tác chiến phòng thủ của BCH Quân sự tỉnh. Ảnh: Văn Miên

Cùng lúc các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh lần lượt nhận mệnh lệnh chuyển lực lượng vũ trang vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng. Cả khối Đảng, chính quyền, Mặt trận- đoàn thể và LLVT của tỉnh nhanh chóng nhập cuộc. Cuộc họp tại Sở chỉ huy triển khai mệnh lệnh tác chiến diễn ra vào lúc 11h 30, sau bữa cơm trưa chớp nhoáng. Buổi tối tất cả phòng làm việc đều sáng đèn. Họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy (bất thường), họp Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh rồi Hội đồng nhân dân, UBND..., cán bộ có mặt chính xác đến từng phút. “Chiến sự” đang nóng bỏng nên các phiên họp như có lửa.

Tại Hội nghị UBND tỉnh triển khai kế hoạch chuyển địa phương vào trạng thái thời chiến, các giám đốc Sở đề xuất chuyển toàn bộ nền kinh tế thị trường sang nền kinh tế tập trung, trưng mua, trưng dụng lương thực, hàng hóa, di chuyển nhà máy, xí nghiệp, tổ chức lại sản xuất ở khu hậu cứ, phát triển lực lượng dân công hỏa tuyến... Ý kiến đưa ra đều sát với địa bàn tỉnh, nhất là trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, địa hình có cả vùng núi, trung du và và đồng bằng ven biển, có 27 dân tộc anh em cùng sinh sống. Qua hội nghị này hay phiên họp hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ hoặc tổ chức hiệp đồng trong tác chiến phòng thủ cho thấy, UBND tỉnh đã nắm chắc đặc thù, thế mạnh của từng ngành, nhất là các ngành trọng yếu, huy động tổng thể nhân lực, vật lực phục vụ chiến đấu, bảo đảm đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu chiến tranh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện tốt phương châm “xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”.

Động viên nhanh, thực binh tốt

Có mặt tại buổi lễ giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn BB 612 lên đường nhận nhiệm vụ thực binh, chúng tôi như thấy lại không khí trận mạc năm nào. Với 541 chiến sĩ quân dự bị của huyện Ninh Phước, quân phục xanh màu lá, sẵn sàng có mặt theo lệnh động viên. Các chiến sĩ trung đội hỏa lực ĐKZ, cối 82, súng máy 12, 7mm, nét mặt đầy tự hào bởi sẽ vinh dự được khai hỏa trong ngày bắn đạn thật sắp tới. Đồng chí Lưu Nào, Phó Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, Chủ tịch HĐND huyện xúc động nói trước hàng quân: “Các em hãy lập công, xứng đáng là những người con của Ninh Phước anh hùng”. Tiếng vỗ tay vang dội như lay động cả vườn xoài, nơi tiểu đoàn tập kết. Chiến sĩ Hồ Đình Vương, dân tộc Chăm, ở xã An Hải, giọng đầy phấn khích: “Em ra quân từ năm 2003, thường xuyên huấn luyện nhưng chưa lần nào làm lớn như lần này. Là pháo thủ em sẽ cố bắn trúng mục tiêu ngay loạt đạn đầu”.

Lãnh đạo tỉnh và các ngành trao đổi, xử lý tình huống trong diễn tập.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Ba, Chính trị viên Ban CHQS huyện Ninh Hải, thì từ hai tháng nay cán bộ, chiến sĩ của huyện đã “ra trận” vừa diễn tập vận hành cơ chế cấp huyện vừa tham gia PT-11 với tỉnh. Qua đó, đã khẳng định niềm tin về những người con của Ninh Hải, sẵn sàng dấn thân bảo vệ Tổ quốc.

Tại khu vực sản xuất thuốc đông dược, Hội đông y tỉnh đã “chào hàng” bằng hàng loạt các loại thuốc đặc hiệu. Dây chuyền sản xuất từ các loại máy móc thông thường và các nguyên liệu trong nước, nhưng hàng ngàn lọ thuốc phục vụ kịp thời mặt trận và nhân dân đã chứng tỏ nền quốc phòng toàn dân đã bén rễ sâu bền trong mọi ngành, mọi cấp của tỉnh.

Trấn áp tội phạm- một tình huống trong diễn tập PT-11. Ảnh: Văn Miên

Khung tập thi hành Lệnh thiết quân luật của thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải được diễn ra khẩn trương ngay giữa khu phố chính. Cán bộ trẻ, chưa ai trải qua chiến tranh, vậy mà khi đặt vào tình huống, Ủy ban quân sự thị trấn vận hành rất thuần thục, nhuần nhuyễn. Nhận những phần quà của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng cho lực lượng tham gia thực binh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Trần Thanh Viên phấn khởi: “Chúng tôi đã huy động hơn 30 dân quân tham gia cùng lực lượng của tỉnh, kể cả làm “quân xanh”. Có tập dượt thế này mới thấy hết trách nhiệm của người lính sao vuông khi đất nước chuyển sang thời chiến”.

Lớn lên nhiều từ diễn tập

Đó là lời “ruột gan” của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo diễn tập của tỉnh. Đồng chí cho biết: “Tôi đã từng ở bộ đội 14 năm, biết ít nhiều về quân sự nhưng bây giờ bước vào vận hành cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan chức năng làm tham mưu ở cấp tỉnh mới thấy không hề đơn giản như suy nghĩ ban đầu. Càng vào sâu diễn tập càng thấy hay, càng thấy hấp dẫn và cần thiết. Nếu 3 năm diễn tập một lần sẽ hiệu quả hơn nữa và dù là tỉnh nghèo, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư cho quân sự địa phương trong thời gian tới”. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phan Đình Hoà, so sánh: “Chưa bao giờ tôi thấy cả bộ máy Đảng, chính quyền Ninh Thuận vào trận “dũng mãnh” như thế này. Được quân khu đánh giá tỉnh hoàn thành tốt diễn tập, tôi thực sự tự hào”. Đó cũng là suy nghĩ của Đại tá Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Diễn tập giúp chúng tôi lường hết các tình huống mà trước đó chưa nghĩ đến, nhất là khi nghe các đồng chí bên Tỉnh đội xử lý trên sa bàn, mới thấy thực tiễn là bài học sinh động nhất”.

Có chứng kiến hơn một trăm cán bộ của tỉnh trong màu áo lính, ăn nghỉ ngay tại Bộ Chỉ huy suốt mấy ngày diễn tập, CB-CS Ninh Phước, Ninh Hải bất chấp cái nắng nóng miệt mài huấn luyện thực binh; người lính tác huấn lặng lẽ kẻ vẽ từng chấm nhỏ trên bản đồ mới thấy hết bản lĩnh, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của những người con quê hương Ninh Thuận anh hùng.