Đẩy nhanh tiến độ, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực.

Theo Báo cáo của Văn phòng Chính phủ (VPCP), tính đến ngày 15/8/2011, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chưa ban hành 58 văn bản quy định chi tiết thi hành đối với 22 luật đã có hiệu lực, trong đó có 14 văn bản chậm trên dưới 2 năm chưa được ban hành.

Chậm nhất đến 30/10 phải trình số văn bản nợ đọng

Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ còn nợ đọng, nhất là các Bộ, cơ quan nợ đọng nhiều văn bản phải chỉ đạo quyết liệt, tập trung ưu tiên các nguồn lực cho công tác nghiên cứu, soạn thảo, hoàn tất các thủ tục, chậm nhất là đến ngày 30/10/2011 phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ số văn bản mà Bộ, cơ quan mình còn nợ đọng.

Vụ Pháp luật VPCP cho biết, trong số 58 văn bản còn nợ đọng có thể kể đến như Nghị định hướng dẫn thi hành Luật người khuyết tật, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật an toàn thực phẩm; Nghị định về công chức cấp xã; Đề án về phương pháp xác định vị trí làm việc và cơ cấu công chức; Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ;...

Đối với những văn bản có vướng mắc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, về nội dung cơ bản cần sớm báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Những văn bản xét thấy có đủ điều kiện áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thì áp dụng trình tự, thủ tục này theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi được cơ quan chủ trì soạn thảo gửi xin ý kiến phối hợp về dự thảo văn bản phải khẩn trương nghiên cứu, có văn bản tham gia ý kiến gửi cơ quan chủ trì soạn thảo chậm nhất là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Hết thời hạn này, nếu Bộ, cơ quan nào không có ý kiến thì coi như đồng ý với nội dung của dự thảo.

Rút ngắn thời gian thẩm định đối với dự thảo văn bản đang nợ đọng

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo tiến hành thẩm định ngay sau khi nhận đủ hồ sơ (không nhất thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định); rút ngắn thời gian thẩm định đối với dự thảo văn bản đang nợ đọng. Bộ Tư pháp phải gửi báo cáo thẩm định đến cơ quan chủ trì soạn thảo chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Đối với những dự thảo văn bản đã được Chính phủ thông qua bằng hình thức gửi Phiếu xin ý kiến các Thành viên Chính phủ, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản tổng hợp ý kiến các Thành viên Chính phủ của VPCP, cơ quan chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với VPCP để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Thủ tướng giao VPCP tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, đôn đốc; trực tiếp làm việc với các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nợ đọng văn bản để hỗ trợ các Bộ, cơ quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết kịp thời.

Nguồn www.chinhphu.vn