Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn cách mạng hiện nay

Quán triệt tư tưởng của Bác Hồ về thi đua ái quốc thì việc nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để phong trào thi đua thực sự trở thành phong trào cách mạng, tạo động lực toàn dân trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

(NTO) Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người lãnh đạo và khởi xướng phong trào thi đua yêu nước dạy: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là gặt hái. Thi đua và khen thưởng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, phong trào thi đua phát triển sẽ xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu là anh hùng, chiến sĩ thi đua, ngược lại xã hội càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua thì phong trào thi đua ngày càng phát triển”. Quán triệt tư tưởng của Bác Hồ về thi đua ái quốc thì việc nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để phong trào thi đua thực sự trở thành phong trào cách mạng, tạo động lực toàn dân trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục triển khai Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“; “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự lực và sáng tạo“ gắn với phong trao thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực“ đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thúc đẩy phong trào thi đua dạy và học trong toàn ngành. Trong ảnh: Giờ lên lớp của cô giáo Hoàng Thị Thủy, Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Văn Miên

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng” do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vừa tổ chức tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, các đại biểu 22 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận trở vào đã thảo luận về thực trạng tình hình công tác thi đua, khen thưởng và các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Việc Nhà nước ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng, hình thành bộ máy thi đua, khen thưởng từ trung ương đến tỉnh góp phần tạo hành lang pháp lý đưa công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp to lớn của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân thông qua phong trào thi đua yêu nước. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, trong các ngành, ở các địa phương… là những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, thực sự có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay, trước hết phải quán triệt tốt Kết luận số 83-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 30-8-2010 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Theo đó từng ngành, địa phương chú trọng tổ chức tốt các phong trào thi đua do Chính phủ phát động nhất là phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015. Kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức thi đua thường xuyên với các phong trào thi đua chuyên đề, thi đua theo đợt nhằm đa dạng hoá hình thức tổ chức thi đua, động viên sự tham gia của toàn xã hội. Thi đua cần có kế hoạch với mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp tổ chức cụ thể. Chú trọng việc tổ chức thi đua điểm ở từng ngành, địa phương, cơ quan đơn vị để rút kinh nghiệm và nhân rộng cách làm hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc từng phong trào thi đua, tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả các phong trào thi đua, rút ra bài học kinh nghiệm, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hình thức tổ chức thi đua theo cụm, khối trong cả nước, ở từng ngành và địa phương qua đó xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hợp tác cùng phát triển vì mục tiêu chung. Đặc biệt là cần quan tâm làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến theo tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là các điển hình tập thể, cá nhân trực tiếp sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập ở cơ sở trong các doanh nghiệp, địa phương, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp. Về công tác khen thưởng cần bám sát tiêu chuẩn qui định, chú trọng xét khen tập thể nhỏ, người trực tiếp học tập, lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu. Chú trọng mức độ, phạm vi ảnh hưởng của thành tích để xét khen tránh việc khen theo dạng đến hẹn lại lên. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, Mặt trận và các đoàn thể và các cơ quan báo chí trên địa bàn phát hiện khen thưởng kịp thời gương “Người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực. Tổ chức trao thưởng phải trang nghiêm, long trọng, tiết kiệm và thiết thực, người trao thưởng đúng thẩm quyền, bảo đảm khen thưởng thực sự tôn vinh người có thành tích. Đa dạng hoá các hình thức trao thưởng nhất là tổ chức trao thưởng tại cơ sở nhằm động viên, nêu gương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, qua đó khen thưởng có tính lan toả cao trong xã hội.

Định hướng, xác định về nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian đến, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua -Khen thưởng Trung ương nêu lên một nội dung trọng tâm: Chuẩn bị đề án trình Nhà nước sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu sự nghiệp cách mạng thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Trong đó bổ sung các hình thức khen thưởng đối với sở, ngành, tỉnh, UBND cấp huyện nhằm khuyến khích phong trào thi đua từ cơ sở. Đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức các phong trào thi đua nhất là phong trào thi đua từ cơ sở tạo ra phong trào thi đua sâu rộng và coi trọng tính hiệu quả. Chú trọng công tác tuyên truyền nhất là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền nhất là phổ biến Luật Thi đua, Khen thưởng, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt… Gắn cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với tổ chức các phong trào thi đua ở từng ngành, địa phương, cơ quan đơn vị. Để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng thì phải được thường xuyên đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đồng thời phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị trong vận động mọi người tham gia các phong trào thi đua. Theo đó cơ quan chuyên môn thi đua, khen thưởng các cấp phải tự đổi mới nâng cao khả năng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, tạo ra phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.