Về Phước Hữu vào những ngày Tháng Tám

Giữa tháng Tám, chúng tôi trở lại xã Phước Hữu (Ninh Phước), vùng đất một thời sôi động phong trào đấu tranh cách mạng. Anh Đặng Văn Dũng, Trưởng thôn La Chữ đã nhiệt tình đưa tôi ra địa điểm có cây Sộp, nơi vào ngày 22-8-1945 đã diễn ra cuộc mít-tinh khởi nghĩa giành chính quyền với sự hưởng ứng rầm rộ của nhân dân các thôn La Chữ, Hậu Sanh, Mông Đức, Nhuận Đức.

(NTO) Trải qua bao biến động lịch sử, cây Sộp 200 năm tuổi vẫn còn đó trước sân đình làng nhưng Phước Hữu ngày nay đã mang bộ mặt nông thôn mới.

Đường vào thôn La Chữ đã được bê-tông hóa thuận tiện cho việc giao thông.

Là xã đông dân, với trên 14.000 người, hầu hết sống về nghề nông, trong tổng diện tích tự nhiên 6.043 ha, Phước Hữu có 2.733 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 1.550 ha diện tích đất lúa và còn lại là đất trồng màu. Từ sau ngày tái lập tỉnh, Phước Hữu đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Nhờ có nguồn nước của công trình thủy lợi hồ Tân Giang đưa về, nông dân trong xã đã chuyển từ đồng lúa sản xuất 1 vụ sang 2 vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả nên đời sống ngày càng được cải thiện. Trong canh tác nông nghiệp, các khâu làm đất, thu hoạch đều đã được cơ giới hóa, toàn xã hiện có 76 máy cày, 25 máy gặt đập liên hợp và 23 máy xay xát lúa (có 3 máy xay xát lớn, công suất 3 tấn/giờ). Kinh tế hợp tác xã (HTX) được duy trì và hoạt động hiệu quả, nổi bật có HTX dịch vụ nông nghiệp Mông Nhuận và Hữu Đức làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp và mở rộng các ngành nghề kinh doanh (xăng dầu, xây dựng, điện năng…). Sự phát triển sản xuất nông nghiệp đã giúp kinh tế xã Phước Hữu tăng trưởng, tạo đà từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng thương mại-dịch vụ. Về đây vào những ngày này, chúng tôi nhận ra sự đổi mới nhanh chóng bộ mặt nông thôn Phước Hữu. Ngoài những công trình điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt do Nhà nước đầu tư trước kia, trong 6 tháng đầu năm nay Phước Hữu còn triển khai kiên cố hóa kênh cấp 3 (hệ thống tưới hồ Bàu Zôn), các hạng mục công trình Trung tâm cụm xã Núi Tháp và nhiều công trình mới khác.

Đề cập đến việc xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí La Văn Điểm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã nói: “Hiện nay Phước Hữu đã có 3.000 m đường nội thôn được bê-tông hóa, đa số hộ dân có điện thắp sáng và có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên để thực sự đạt theo các tiêu chí về nông thôn mới, Phước Hữu còn phải khảo sát và xây dựng đề án cụ thể, nhưng theo tôi vấn đề tập trung cần làm trước hết là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Hiện xã vẫn còn 21 hộ dân thôn La Chữ và 60 hộ dân thôn Thành Đức vẫn chưa có điện và nước sinh hoạt do đây là vùng dân cư mới”. Cũng theo đồng chí Điểm, nhìn tổng thể bức tranh phát triển của xã, các thôn Mông Đức, Nhuận Đức đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh để xây dựng nông thôn mới; các thôn La Chữ, Hậu Sanh có lợi thế diện tích rộng nên cũng có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông thôn mới. Đó là chưa kể truyền thống đoàn kết “tình làng, nghĩa xóm” trong xây dựng quê hương cũng là một động lực quan trọng. Anh Đặng Văn Dũng khẳng định: “Nếu phát động xây dựng nông thôn mới, tôi tin rằng người dân địa phương sẽ hưởng ứng tích cực, điều này đã thể hiện rõ qua các phong trào huy động sức dân. Đơn cử gần đây có công trình đường nông thôn từ chợ La Chữ ra đồng Cao được Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư, vì lợi ích cộng đồng đã có 21 hộ dân sẵn sàng nhường đất để mở rộng đường”.

Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phước Hữu đang tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ xã. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 phấn đấu 100% đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của xã có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông và trình độ trung cấp chuyên ngành trở lên, trong đó có 60% có trình độ đại học; 100% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, trong đó 50% có trình độ cao cấp; 60% được bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và 70% biết sử dụng tin học văn phòng để làm việc. Theo chúng tôi đó là bước đi phù hợp với lộ trình xây dựng nông thôn mới, bởi vì nâng cao chất lượng cán bộ là yếu tố quan trọng tác động tới hiệu quả triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.

Nhìn cây Sộp vẫn sừng sững, uy nghi trước sân đình như một “chứng nhân” lịch sử, tôi tin rằng thế hệ hôm nay ở Phước Hữu vẫn tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông từ những ngày Cách mạng Tháng Tám, quyết tâm vươn lên tạo ra những bứt phá mới.