Ly hôn - thực trạng đáng lo

Theo số liệu của Tòa án nhân dân Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, năm 2010, trên địa bàn thành phố có 417 vụ ly hôn, tăng 105 vụ so với năm 2009; trong đó, có đến 292 trường hợp do người vợ đứng đơn. Đặc biệt, chỉ trong những tháng đầu năm 2011, Tòa án thụ lý đến 267 vụ án về hôn nhân-gia đình, trường hợp do vợ đứng đơn là 226 vụ, chiếm gần 90%. Đây quả là con số báo động về hạnh phúc gia đình hiện nay.

(NTO) 101 lý do ly hôn

Trong số 226 vụ xin ly hôn từ đầu năm đến nay, chủ yếu từ các nguyên nhân sau: tính tình không hợp 195 vụ; bạo lực gia đình, rượu chè, cờ bạc 45 vụ; ngoại tình 10 vụ; xa cách lâu năm 5 vụ; không có con chung 2 vụ. Như vậy, sự xung đột về tính cách, lối sống giữa vợ chồng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ly hôn. Đáng báo động là tình trạng ly hôn lại có xu hướng gia tăng ở các cặp vợ chồng trẻ. Theo thống kê của Tòa án nhân dân Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, số bạn trẻ dưới 30 tuổi nằm trong các vụ ly hôn trong thời gian qua có đến 213 người. Có thể nói, căn nguyên sâu xa của vấn đề này thường là do người trong cuộc không có sự chuẩn bị tốt kiến thức hôn nhân, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, yêu vội, cưới vội. Đến khi bước vào đời sống hôn nhân gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp cuộc sống và giải quyết những nảy sinh trong gia đình.

Đáng nói là số vụ ly hôn do người vợ đứng đơn ngày càng nhiều, đặc biệt hơn, số vụ ly hôn trong các cặp vợ chồng là cán bộ, công chức, viên chức, trí thức chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, trong các trường hợp ly hôn trong thời gian qua, có 318 người là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, giáo viên, công an, bác sĩ... Luật Bình đẳng giới ra đời nhằm mục đích mang lại sự công bằng, quyền lợi chính đáng, tạo động lực cho phụ nữ cố gắng, nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí, năng lực của mình trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ có quan niệm sai lầm về bình đẳng giới, cho rằng việc gì đàn ông làm được mình cũng làm được, hoặc vợ làm cái gì thì chồng cũng phải làm việc đó. Chính vì ý nghĩ sai lầm này, sau khi tan công sở, nhiều chị không về nhà ngay tranh thủ thời gian chăm sóc gia đình, làm cơm tối, sum vầy với chồng con mà lại thích tụ tập bạn bè, thậm chí có hôm đến khuya mới về. Có nhiều chị lại đổ hết mọi công việc nội trợ, chăm sóc con cái cho chồng, mà quên đi thiên chức của người phụ nữ. Khi không vừa ý chuyện gì lại quát tháo ầm ĩ, lâu dần thành thói quen và cho đó là chuyện bình thường. Mọi chuyện đều có giới hạn, đến một ngày khi người chồng không chịu được, lên tiếng phản ứng. Người vợ vốn quen lối sống này khi bị chồng phản ứng cho rằng chồng tước đoạt tự do, quyền bình đẳng, đòi hỏi vô lý. Không chịu nhìn nhận bản thân để thay đổi cách sống, nhiều chị đã làm làm đơn ra tòa ly dị. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng tỷ lệ nữ đứng đơn trong các vụ ly hôn ngày càng cao chính là do chồng thường say xỉn, ghen tuông, đánh đập vợ con. Một số trường hợp do chồng có tính gia trưởng, độc đoán, ích kỷ.

Nhiều chị em sau khi đi làm về, vốn đã mệt mỏi công việc ở cơ quan, lại phải tất bật đón con, lo cơm nước, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, hàng trăm công việc “không tên” đổ lên vai, trong khi đó chồng thường nhậu nhẹt hoặc chỉ biết ngồi xem ti-vi, đọc báo, thấy “chướng mắt” chị em trở nên cáu gắt, bực bội. Nỗi uất ức ngày càng tích tụ, gây nên mâu thuẫn, rạn nứt quan hệ vợ chồng. Nhiều chị đã làm đơn ra tòa xin ly dị. Trường hợp của chị H. là một điển hình. Thời sinh viên, H. là cô gái đẹp có tiếng ở một trường cao đẳng. Bao nhiêu chàng trai theo đuổi nhưng chị đã chọn con trai một gia đình giàu có, với mong muốn sau này sẽ có cuộc sống sung túc. Chỉ qua vài tháng tìm hiểu, chị chấp thuận làm đám cưới. Cưới nhau không lâu, H. mới “ngã ngửa” vì mọi nhận định của mình đều sai lầm. Thay vì những hờn dỗi ghen tuông làm tăng thêm hương vị tình yêu như hồi mới gặp nhau, giờ đây, người chồng lộ rõ tính gia trưởng, vũ phu bằng những trận đòn đau đớn. Thêm vào đó, do sẵn có tiền, lại được cưng chiều từ nhỏ, chồng thường nhậu nhẹt và lăng nhăng bên ngoài. Khi hiểu ra thì đã muộn màng. Không chịu được, H. làm đơn ly dị, một mình nuôi 2 con nhỏ.

Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến đỗ vỡ gia đình chính là tình trạng ngoại tình. Những trường hợp này thường rơi vào những người có lối sống phóng túng. Đặc biệt là vấn nạn “cặp bồ” đang xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội đe dọa hạnh phúc, hôn nhân gia đình của các cặp vợ chồng. Đáng nói là tình trạng này thường xảy ra ở các cặp vợ chồng lứa tuổi trung niên, điều này ảnh hưởng rất lớn trong việc định hướng lối sống cho chính con cái của họ.

Hệ lụy từ đỗ vỡ hạnh phúc gia đình

Khi vợ chồng không còn hạnh phúc, hòa hợp thì ly hôn là giải pháp đúng đắn giải thoát bế tắc cho cả hai. Tuy nhiên, hệ lụy đằng sau các cuộc ly hôn đều gây tổn thương lớn cho những người con. Ba mẹ ly hôn hơn 1 năm nay, hai em M. và H. ở với ba. Do công việc, ba phải thường xuyên vắng nhà, mỗi tuần mới về một lần, mọi việc học hành, sinh hoạt trong gia đình đều do hai em tự lo lấy. Với lứa tuổi 14, 15, không được cha mẹ thường xuyên quản lý, chăm sóc, dạy bảo, câu hỏi đặt ra liệu các em có bị lôi kéo bởi những thói hư tật xấu, cám dỗ ngoài xã hội? Còn đối với chị H., ly dị đã mấy năm, hiện nay chị cũng đã tìm được cho mình người đàn ông vừa ý. Anh cũng là người cùng hoàn cảnh, đứt gánh giữa đường giống chị. Tuy nhiên, khi người yêu đặt vấn đề kết hôn, chị lại vô cùng băn khoăn, lo lắng với bao câu hỏi đặt ra, liệu khi về sống chung, anh có đối xử tốt với chị và các con? Rồi cả vấn đề con chung, con riêng, không biết cuộc sống sẽ như thế nào, liệu “bi kịch” có diễn ra một lần nữa trong đời chị? Vì thế đến giờ, chị vẫn chưa dám quyết định đi thêm bước nữa.

Qua nhiều năm kinh nghiệm giải quyết nhiều vụ ly hôn, chị Trần Thị Minh Nghị, Chánh án Tòa án nhân dân Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: “Để có một hôn nhân hạnh phúc, lâu dài, đôi lứa khi yêu phải có thời gian dài tìm hiểu kỹ về nhau, chuẩn bị tốt kiến thức về hôn nhân thì những xung đột, mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng sau này sẽ được hóa giải dễ dàng. Vợ chồng sống với nhau dù có hòa hợp đến mấy chắc chắn phải có xung đột. Điều quan trọng là mỗi người nên bình tĩnh, không nên nóng vội, nản lòng mà phải từ từ tháo gỡ, cùng nhau vượt qua thử thách để tình yêu hôn nhân thêm bền vững. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng ly hôn cần có sự vào cuộc của các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, đặc biệt các tổ nữ công, tích cực thực hiện tốt công tác hòa giải ngay khi thấy có mầm mống mâu thuẫn, nguy cơ dẫn đến tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng ở địa phương, cơ quan, đơn vị”.