Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam

Bộ Y tế và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức hội nghị Tăng cường phòng chống bệnh tay-chân-miệng và triển khai chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam.

Bệnh tay-chân-miệng đang tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khuyến cáo: Cần tập trung chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác truyền thông có hiệu quả, đặc biệt tuyên truyền đến từng hộ dân về việc vệ sinh tay chân bằng xà phòng diệt khuẩn cho trẻ dưới 5 tuổi, người trực tiếp chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên ít nhất 10 lần/ngày.

Bộ trưởng Y tế nhận định, dịch bệnh tay-chân-miệng đã bùng phát cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và chưa có vắc-xin phòng ngừa. Tính đến tháng 8-2011, cả nước có 32.588 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 95% bệnh nhi mắc bệnh dưới 3 tuổi và đã có 81 trường hợp tử vong. Bộ trưởng cho biết, số bệnh nhân mắc bệnh và tử vong đã tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh và cần nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe của người dân, đặc biệt việc chăm sóc vệ sinh tay chân miệng cho trẻ nhỏ và người chăm sóc trẻ là biện pháp phòng tránh các bệnh tật hiệu quả nhất. Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức 10 đoàn kiểm tra đến 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, tăng cường tập huấn kỹ năng truyền thông, phòng dịch và điều trị để có những biện pháp phòng chống, phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur cho biết, bước sang tuần 32, tình hình dịch bệnh tuy đã có dấu hiệu giảm sau khi Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị mới, nhưng số ca mắc bệnh vẫn ở mức cao, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng người mắc bệnh cao nhất trong khu vực phía Nam với 7.025 ca, kế đến là Đồng Nai 3.413 ca và Đồng Tháp 2.015 ca; nhưng nếu tính tỷ lệ người mắc bệnh/100.000 dân thì cao nhất lại là Bình Dương (143 ca), Bà Rịa Vũng Tàu (136 ca), Đồng Nai (129 ca) và TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 7 với 80 ca. Viện Pasteur cho biết thêm, 71,6% bệnh nhân tử vong tại các bệnh viện nằm trên địa bàn thành phố, 22,9% bệnh nhân tử vong tại các bệnh viện tỉnh và 2,7% bệnh nhân tử vong tại bệnh viện huyện. Đa số các đại biểu cho rằng, dịch bệnh đang có chiều hướng giảm, nhưng so với chu kỳ diễn tiến dịch bệnh từ năm 2003, bệnh thông thường diễn ra với 2 đỉnh điểm từ tháng 5 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11. Vì thế, những tháng tiếp theo khả năng dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng đã phát động Chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết bắt đầu từ ngày 1 đến 30/9 với các hoạt động mở rộng chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy; tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng, nhà trường và huy động nguồn lực để thực hiện công tác ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trong thời gian sắp tới.

Theo TTXVN