Vấn đề hôm nay

Đưa pháp luật vào cuộc sống !

“Sống và làm việc theo Hiến Pháp và pháp luật” có thể nói đã ngày càng trở thành thực tiễn sinh động trong cộng đồng dân cư ở nhiều địa phương.

(NTO) Đây là kết quả của sự chỉ đạo thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, trách nhiệm của cán bộ làm công tác tư pháp các cấp và đặc biệt là sự phát huy có hiệu quả từ nhiều mô hình đưa pháp luật đến với nhân dân. Có thể kể: mô hình lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật với các phong trào vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hay “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” do UBMTTQVN tỉnh phát động.

Mặt khác, thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở các thôn, khu phố ngoài việc góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh…chính các hương ước, quy ước cũng đã hỗ trợ tích cực cho việc duy trì an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân trên tinh thần “tình làng, nghĩa xóm”. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã có 375/397 thôn, khu phố xây dựng được hương ước, quy ước làng văn hóa. Các hình thức tuyên truyền pháp luật khác như xây dựng tổ nhân dân tự quản (hiện có 2.760 tổ); câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; tổ hòa giải (hiện có 392 tổ với trên 2.920 hội viên)… cũng hoạt động đạt kết quả cao. Riêng các tổ hòa giải ở cơ sở theo thống kê của ngành chức năng bình quân hằng năm đã tổ chức hòa giải thành đến trên 78% vụ việc từ cơ sở. Đáng nói là thông qua hòa giải, các “hòa giải viên” đã tuyên truyền để người dân hiểu về luật pháp. Các luật và văn bản luật được phổ biến thường gắn sát sườn với đời sống người dân như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình… Mới đây, mô hình “Ngày pháp luật” được triển khai trên địa bàn tỉnh, trước mắt đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện khá nghiêm túc, gắn tuyên truyền pháp luật sát hợp với thực tiễn công tác của từng đơn vị, cơ quan…

Chung quy lại, bằng sự nỗ lực chung trong việc đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự ở từng địa phương, hạn chế tình trạng hành xử trái pháp luật khi có tranh chấp, va chạm… trong nội bộ nhân dân ở từng lúc, từng nơi… Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đưa pháp luật vào cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi. Tình hình vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực đời sống còn diễn ra khá phổ biến như xây nhà trái phép, tình trạng bạo hành gia đình, trộm cắp tài sản… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên như ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, sự tác động bởi khó khăn của cuộc sống… nhưng theo phân tích của nhà chuyên môn thì cơ bản vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên góp phần không nhỏ trong việc làm hạn chế hiệu quả đưa pháp luật vào cuộc sống. Khắc phục hạn chế này bằng các giải pháp đồng bộ như đầu tư đúng mức về kinh phí, con người, củng cố các mô hình ở cơ sở… Có như vậy, hy vọng rằng tinh thần thượng tôn pháp luật trong nhân dân sẽ ngày càng được nâng lên.