Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng huyết sắc tố (hemoglobin) trong máu xuống thấp hơn bình thường hoặc do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu.

(NTO) Thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất là thiếu sắt ở phụ nữ có thai thường kèm theo thiếu folat (hay axit folic). Người bị thiếu máu thường thấy mệt mỏi, khả năng lao động giảm; phụ nữ có thai bị thiếu máu hay bị tai biến khi đẻ, đẻ non, sinh con nhẹ cân cũng như tăng tỷ lệ mắc bệnh và dễ bị băng huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.

Phụ nữ mang thai thì nhu cầu sắt của cơ thể cần hàng ngày cao hơn so với các giai đoạn khác. Ở phụ nữ trưởng thành có cân nặng trung bình 55kg, nhu cầu sắt hấp thu là 2,39 mg (tuổi hành kinh), tuổi mãn kinh là 0,96mg, nhưng khi mang thai nhu cầu này lên từ 3 mg đến 6 mg (tùy thuộc vào tình trạng sắt của cơ thể trước mang thai, từng giai đoạn của thai kỳ). Sắt được cung cấp cho cơ thể từ hai nguồn, sắt có trong thịt, cá, tiết, ngũ cốc và rau quả. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thu các loại sắt trong thực phẩm từ động vật nêu trên cao hơn so với sắt trong ngũ cốc, rau quả và các loại hạt đậu. Sự hấp thu sắt còn nhờ vào một số chất hỗ trợ trong khẩu phần ăn như vitamin C, thức ăn giàu protein (thịt, cá, hải sản, trứng). Một vài yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến hấp thu sắt như mắc bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng (nhiễm giun).

Biểu hiện của thiếu máu nhẹ là mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung; đối với trẻ em, biểu hiện của thiếu máu là nhận thức chậm, trí nhớ kém hay ngủ gật. Khi thiếu máu nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn; đối với phụ nữ mang thai, thiếu máu tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cả mẹ và con. Những bà mẹ bị thiếu máu có nguy cơ đẻ con nhẹ cân, dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản và sinh ra những đứa con có tình trạng dự trữ sắt thấp.

Để phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng các gia đình cần đa dạng hóa các bữa ăn, chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt như thức ăn động vật, đậu đỗ… làm tăng khả năng hấp thụ sắt nhờ tăng cường vitamin C có từ rau quả. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý là biện pháp tốt nhất để phòng, chống thiếu máu ở trẻ nhỏ. Phụ nữ mang thai cần được khám định kỳ, việc bổ sung sắt có thể được duy trì trong thời gian mang thai cho tới sau khi sinh một tháng. Chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến việc bổ sung sắt, nên lựa chọn thức ăn động vật giàu sắt, giàu vitamin C. Hạn chế các yếu tố gây ức chế hấp thu sắt trong thức ăn.