Không nên chủ quan trước bệnh tay-chân-miệng

Tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh ghi nhận 183 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010). Trong đó ở hầu hết các huyện, thành phố đều có các trường hợp mắc bệnh. Đáng lo ngại, hiện nay tại tỉnh ta số bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng, có trẻ bị biến chứng nặng và đã có 1 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

(NTO) Có mặt tại khoa Nhi Bệnh viên đa khoa tỉnh trong ngày 5-8, chúng tôi chứng kiến hiện có 8 ca mắc bệnh tay-chân-miệng đang điều trị tại đây, trong đó có hai ca vừa nhập viện trong ngày. Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước ở lòng bàn tay, chân... Một số trẻ đến khám và điều trị đã bị biến chứng thần kinh do nhập viện muộn.

Khám và điều trị bệnh tay chân miệng ở khoa Nhi, Bệnh viện tỉnh

Trường hợp bé Trần Anh Khoa, 2 tuổi ở xã Phước Sơn (Ninh Phước) nhập viện từ ngày 1-8 trong tình trạng bệnh đã biến chứng gây co giật và sốt liên tục. Chị Nguyễn Kim Phúc, mẹ của bé cho biết: “Tối ngủ cháu tự nhiên giật thật mạnh, trông rất thương. Gia đình thấy lo nên sáng sớm đưa đi khám ngoài. Bác sỹ đưa thuốc bảo về cho uống rồi theo dõi. Thấy cháu không bớt, hôm sau gia đình cho cháu nhập viện, mới phát hiện cháu bị bệnh tay-chân-miệng. Qua gần 1 tuần điều trị, hiện nay bệnh của cháu đã bớt. Thấy cháu ăn được, ngủ được, bớt sốt, gia đình mới yên tâm, chứ nghe nói bệnh này nguy hiểm lắm”.

Bênh tay-chân-miệng là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh đã từng được phát hiện ở tỉnh ta từ năm 2006 và đến nay đã phổ biến đang trở thành vấn đề y tế cộng đồng trong cả nước.

Theo Bác sỹ Chuyên khoa I Lê Thị Thái An, cho biết: Bệnh tay-chân-miệng thường mắc ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi do sức đề kháng của các cháu còn yếu. Triệu chứng: trẻ sốt nhẹ, lòng bàn tay, chân nổi ban đỏ mọng nước, ngoài ra có một số vị trí ngoài da, mặt ngoài tay, chân, miệng khớp gối khuỷu tay... Trường hợp nặng trẻ sốt cao liên tục, hay giật mình, hốt hoảng, có thể dẫn đến biến chứng về thần kinh và tim mạch với các biểu hiện như hôn mê, tay chân lạnh, mạch nhẹ, tiểu ít, thở nhanh, trẻ tím tái, phù phổi cấp. Bệnh này nguy hiểm vì nếu phát hiện muộn và điều trị không kịp thời thì có thể có dẫn đến tử vong”.

Theo các chuyên gia y tế thì tác nhân gây bệnh tay-chân-miệng do vi-rut coxsakie và enterovirus 71. Trước đây bệnh chủ yếu là do vi-rút coxsakie lành tính. Nhưng thời gian gần đây, xuất hiện nhóm vi-rút mới có tên là enterovirus 71, thường gây các biến chứng rất nguy hiểm. Bệnh dễ lây và lây rất nhanh qua đường hô hấp. Cụ thể là qua tiếp xúc các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay bọt nước của người bệnh. Đáng lưu ý, bệnh tay-chân-miệng có nhiều dấu hiệu mà nếu không được chú ý sẽ dễ chẩn đoán nhầm, nhất là nếu theo dõi không sát dễ bỏ sót không xử trí kịp biến chứng xảy ra. Với nhiều ca trẻ chỉ sốt, ho vài tiếng, tiêu chảy vài lần, nhưng 2-3 ngày sau đã xuất hiện biến chứng dù khám chẳng thấy tổn thương ở miệng cũng như ở tay, chân.

Theo Bác sỹ Lê Thị Thái An, loại vi rút gây bệnh này tương đối bền vững với môi trường bên ngoài nên rất khó diệt, hiện không có vắc-xin để phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị. Đối với những trường hợp nghi ngờ nặng tiên liệu xấu chúng tôi phải theo dõi sát. Bệnh này không phải tất cả đều nặng nhưng nếu trường hợp trẻ sốt cao liên tục, bứt rứt, biểu hiện lừ đừ, đi loạng choạng, hay giật mình, hôn mê, tím môi đầu chi, tay chân lạnh, da nổi bông tím, khó thở, không tiểu trong 5 giờ thì cần nhập viện ngay. Về biện pháp phòng ngừa chỉ bằng cách giữ vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cách ky, không tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh. Nếu trẻ bệnh nên để trẻ ở nhà không nên đưa trẻ đến trường trong khoảng 10 ngày, rửa đồ chơi vật dụng, lau chùi sàn nhà thường xuyên...

Ông Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Không thể khẳng định là có thể kiểm soát được dịch, nhưng người dân cũng không nên hoang mang, bởi hiện nay dịch bệnh đang có chiều hướng giảm, số ca mắc không tập trung. Chúng tôi đã gửi các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và của ngành cho các địa phương có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn. Việc phòng dịch chủ yếu vẫn là do các địa phương chủ động thực hiện. Bước vào năm học mới, ngành giáo dục cũng cần chủ động các biện pháp phòng ngừa vì trường học là môi trường dịch bệnh rất dễ lây lan. Biện pháp đơn giản và tốt nhất để phòng ngừa không cho bệnh bùng phát đó là giữ vệ sinh sạch sẽ và cách ly nguồn bệnh.