Tạp bút:

Con vào lớp một

Cuối mùa hạ, công việc của anh chị lại càng bộn bề hơn vì phải lo cho thằng con đầu chuẩn bị đi học. Không riêng gì thằng bé, anh chị cũng háo hức chờ ngày khai trường.

(NTO) Ngày chủ nhật, anh chở con đi mua sách vở, cặp xách và dụng cụ học tập. Anh vừa chọn vừa nhớ lại tất cả mọi thứ cần phải mua. Gắn bó, vất vả với biển cả, trùng khơi, anh chị cũng chỉ mong lo cho con cái được đủ đầy để đi tìm con chữ vào đời. Về nhà, hai cha con mang ra bao bìa, ghi tên dán nhãn. Chợt nhớ ngày xưa phải bao tập bằng vỏ bao xi măng, sách báo cũ, lòng bồi hồi. Mà ngày xưa tập có trắng như bây giờ đâu, viết thì dùng ngòi bút lá tre. Vậy mà có tập mới, bút mới là thích và sung sướng lắm rồi. Tội nghiệp và thương mấy đứa bạn nhà nghèo phải lấy những tờ giấy năm học cũ còn dư đóng lại thành tập, dùng cả viết cũ. Còn sách thì mượn nhà trường những quyển đã cũ mèm. Khi đã lớn anh vẫn háo hức mong chờ ba mẹ dẫn đi mua sắm cho năm học mới…

Tối, tranh thủ lúc con em ngủ, chị cẩn thận may lại đường chỉ, lên lai mấy cái quần cho thằng anh. Vừa làm chị vừa căn dặn con đủ thứ. Nào là phải mặc quần áo gọn gàng, giữ gìn sạch sẽ. Nào là đừng để dính mực vào… Chị thẩn thờ, ngày xưa mình đi học phải mặc lại quần áo của các chị lớn. Mũi chị cay xè...

Thằng bé nhìn đống đồ dùng học tập, mấy bộ quần áo còn thơm mùi vải mặt rạng rỡ. Nó hớn hở chạy đi khoe với mấy đứa bạn cùng xóm. Chỉ còn anh và chị ngồi nhìn nhau, bùi ngùi: “Có làm cha mẹ mới thấm thía hết công ơn cha mẹ!”. Năm xưa, anh chị cũng được ba mẹ mình nhà dù còn khó nhưng vẫn lo đủ mọi thứ cho con cái được học hành. Anh chị lo cho con khó khăn một thì ba mẹ lo cho anh chị khó khăn gấp trăm, ngàn lần. Cũng như ba mẹ, anh chị chỉ mong sao con học giỏi, nên người mang kiến thức của mình giúp đời. Vâng! Ai cũng vậy, tất cả tình thương đều dành trọn cho con…

Rồi anh chị lại cùng nhau hoài niệm về những năm tháng đã xa. Anh nhớ về những ngày đi học đáng nhớ của mình. Đó là ngày đầu tiên vào lớp một, ngày vào cấp hai, cấp ba… Nhưng có lẽ để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong đời là ngày đầu tiên đi học. Chị lại chợt nhớ “Tôi đi học “ của nhà văn Thanh Tịnh như nói dùm cảm xúc của mình. Rạo rực lắm, xúc động lắm: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và giá lạnh, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp...”.

Còn hơn một tuần nữa mới tựu trường mà thằng bé có vẻ nôn nao, háo hức lắm!. Ngày nào cũng lấy sách ra ngắm nghía những tranh vẽ trong đó, vài ngày lại lấy quần áo ra mặc thử. Nó hỏi ba mẹ đủ thứ chuyện về việc học hành. Nhiều lần ba mẹ hỏi: “Lớn lên con làm gì?”. Có lúc coi ti vi thấy nhiều trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, nó ước sau này làm bác sỹ chữa bệnh cho họ. Thấy những tai nạn giao thông hàng ngày, nó nói sẽ làm cảnh sát giao thông để thổi phạt mấy chú tài xế chạy ẩu. Thấy ba mẹ đi đâu cũng được học trò chào, nó lại ước làm thầy giáo. Những ước mơ thật dễ thương, thơ ngây như tuổi của nó. Nghe con nói, anh chị thật bất ngờ. Trẻ con bây giờ sống trong thời kỹ thuật số với đủ đầy vật chất, có nhiều cái khôn trước tuổi nhưng vẫn có một tấm lòng rộng mở.

Mùa thu, mùa tựu trường đã đến. Ngày khai giảng, anh chị dắt con đi học. Và rồi bâng khuâng như được trở lại kỷ niệm của ngày cũ, cái ngày đầu tiên ấy nhút nhát, lo sợ đến nổi khóc òa đòi về khi mẹ gửi gắm cô giáo.

Ngày đầu tiên đi học thời nào cũng vậy: đầy lo âu, bỡ ngỡ, hồi hộp. Anh chị hạnh phúc biết dường nào bởi cách nay mấy chục năm cũng vào ngày này được ba mẹ đưa tới trường, còn hôm nay được đưa con vào lớp một.