Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 4/8, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2011.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, cho rằng 6 tháng đầu năm 2011, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nên tình hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả khả quan. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua (10%).

Nhập siêu bằng 15,72% tổng kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu Quốc hội là không quá 18%). Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, đó là lạm phát còn cao, lãi suất ngân hàng cao kìm nén sự họat động của doanh nghiệp, tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Sự phát triển của hệ thống giao thông chưa theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông .

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Cảng Hải Phòng, theo quy hoạch, có công suất 10 triệu tấn/năm, nhưng thực tế hiện nay lượng hàng qua cảng gấp 4 lần, đầu tư cho giao thông không theo kịp với sự phát triển của kinh tế nên có thời điểm lượng xe các tỉnh dồn về cảng gây tắc 6-7 giờ đồng hồ.

Một số ý kiến cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công trong bối cảnh kinh tế khó khăn là giải pháp cần thiết, tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng việc cắt giảm các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông.

Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình dự án đã hoàn thành 60-70% để hoàn thành đưa vào sử dụng ngay trong cuối năm đồng thời có thể cắt giảm, điều tiết nguồn vốn từ những dự án lớn chưa cấp bách sang cho các dự án đang dở dang, trong đó cần ưu tiên cho giao thông để giảm tải áp lực giao thông đang diễn ra.

Ngoài ra, một số vấn đề về di dân, bảo đảm anh sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng được các đại biểu bàn thảo.

Ghi nhận những kết quả bước đầu của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, đại biểu Bùi Văn Tỉnh nhìn nhận, để đạt mục tiêu tốc độ tăng chỉ số CPI từ 15-17% là không đơn giản. Do đó, ngay từ bây giờ, phải có các giải pháp tiếp theo để kiềm chế lạm phát. Ông Bùi Văn Tỉnh cũng cho biết, kiềm chế lạm phát cần gắn với tăng trưởng hợp lý, nếu không từ nay đến cuối năm doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn

Ghi nhận giải pháp miễn, giảm thuế Chính phủ vừa trình Quốc hội là một giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng đây mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa đủ mạnh để “cứu” các doanh nghiệp.

Một số đại biểu đề nghị cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, tạo ổn định xã hội.

Vấn đề lãi suất tăng cao là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đây cũng là một trong những bài toán đặt ra với Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.

Một số đại biểu đề nghị cần có cơ chế để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn.

Có đại biểu cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhưng là cơ hội để rà soát lại hệ thống ngân hàng. Bởi lãi suất tăng cao một phần do nhiều ngân hàng yếu về vốn nên thiếu tiền mặt dẫn đến những hình thức huy động không đúng quy định.

Nguồn www.chinhphu.vn