Hoạt động của các tổ chức hội quần chúng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

(NTO) Cùng với công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, thời gian qua, tổ chức hội quần chúng ở tỉnh ta đã không ngừng phát triển về tổ chức, đa dạng về lĩnh vực hoạt động và có nhiều đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Trước năm 1998, có 10 hội được thành lập và hoạt động trên các lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, y học cổ truyền, văn hóa, văn nghệ… đến nay có 35 hội được thành lập, ngoài các lĩnh vực trên, tổ chức hoạt động các hội hiện nay đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, doanh nghiệp, đối ngoại… Hoạt động của hội quần chúng đã tích cực góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho công tác giáo dục-đào tạo, làm từ thiện cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, bất hạnh, người gặp nạn trong thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, dịch vụ tư vấn, phản biện xã hội, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và góp phần xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao…

Đồng chí Trần Minh Lực
(Ủy viên Ban Thường vụ -
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)

Những kết quả nổi bật về hoạt động của các hội trên các lĩnh vực: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên được đa số các hội quan tâm bằng nhiều hình thức phổ biến, tập huấn tuyên truyền, phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh… Điển hình như các Hội Khuyến học, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Nhà báo, Ban Đại diện Người cao tuổi…; các hội tích cực trong công tác xã hội, giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tích cực trong phát triển ngành nghề như Hội Chữ thập đỏ, Hội Luật gia, Hội Kiến trúc sư, Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật, Hiệp hội các doanh nghiệp…; Hội Văn học Nghệ thuật, văn hóa dân gian, văn hóa các dân tộc đã tích cực trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Đông y, Hội Điều dưỡng, Hội Châm cứu, Hội Dược học, Hội Chữ thập đỏ…có đóng góp thiết thực trong công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo neo đơn, góp phần phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đã có hàng trăm nghìn lượt người được khám, chữa bệnh và được hỗ trợ chi phí y tế và thuốc điều trị với giá trị hơn 50 tỷ đồng, góp phần đáng kể với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các hội góp phần nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, tham gia vào các đề tài, dự án, tư vấn phản biện cho các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh như Hội Làm vườn, Hội Nghề cá, Hiệp Hội giống thủy sản, Hiệp hội Nho, Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội Doanh nhân trẻ, Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật, Liên minh Hợp tác xã…

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng ở địa phương cũng còn những hạn chế cần khắc phục, đó là: một số hội tổ chức hoạt động còn hình thức, hoạt động chưa gắn vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; một số hội chưa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên, khả năng tập hợp phát triển hội viên thấp và thiếu tính thuyết phục để huy động cộng đồng; một số hội chưa chủ động trong tính tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, chủ yếu trông chờ vào biên chế, kinh phí nhà nước; một số lĩnh vực cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và xã hội nhưng chưa được đáp ứng như Hội Người mù, tàn tật…

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 6-10-1998 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động các hội quần chúng; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội; thời gian đến cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Một là: Tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quản lý, vai trò tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, đảm bảo thể hiện và nâng cao vai trò của các hội quần chúng trong tình hình hiện nay ở tỉnh ta. Xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với một Tp. Phan Rang-Tháp Chàm xanh-sạch-đẹp và phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững đó là mục tiêu và mong muốn, khát vọng mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã và đang quyết tâm phấn đấu. Để đạt được mục tiêu, khát vọng này phải huy động hết tiềm năng sức mạnh của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp của các hội quần chúng để thu hút các thành viên vào các chương trình, đề án, đối tượng, lĩnh vực mà Nhà nước chưa đủ nguồn lực đáp ứng và cần sự quan tâm đóng góp của cả cộng đồng trong bối cảnh kinh tế của tỉnh ta hiện nay.

Hai là: Ban Chấp hành hội và nhất là những người đứng đầu các hội cần có nhiệt huyết và quyết tâm cao trong công tác củng cố tổ chức, phát triển hội viên, chủ động tích cực trong việc phối hợp tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực để tham gia vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương bằng những hợp đồng tư vấn, dịch vụ, phản biện, tập huấn, tuyên truyền, đồng thời huy động sự tham gia của thành viên và cộng đồng. Tham gia tích cực vào các chương trình đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường…

Ba là: Các cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp về kinh phí, biên chế hoặc thông qua hợp đồng giao đề tài, đề án, dịch vụ… đối với các hội có đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế-xã hội, công tác xã hội hóa. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đối với các hội đặc thù đã được phê duyệt, đồng thời quan tâm tạo điều kiện thành lập các hội trên các lĩnh vực hợp tác thu hút đầu tư, quan hệ đối ngoại, khoa học-công nghệ, tư vấn phản biện các dự án phát triển, bảo vệ môi trường và các hội nhân đạo cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và xã hội.