CHÀO MỪNG LIÊN HOAN LÀNG BIỂN VIỆT NAM 2011 TẠI NINH THUẬN

Khánh Hải - Đội đua ghe thuyền rồng truyền thống luôn đạt thành tích cao

(NTO) Chuẩn bị Liên hoan Làng biển Việt Nam 2011 tại tỉnh ta, không khí tập luyện của các đội đua ghe thuyền rồng truyền thống thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) càng trở nên khẩn trương hơn. Những vận động viên trong đội đua quyết tâm giữ vững tay chèo, giành thành tích cao trong ngày hội.

Tham dự liên hoan lần này, ngoài đội đua truyền thống Ninh Chử 2, thị trấn Khánh Hải còn thành lập thêm đội đua Khánh Tân. Đang chỉ huy một nhóm thanh niên tập luyện tại bãi biển Ninh Chử, gặp chúng tôi, lão ngư Trần Hai có hơn 20 năm tham gia trong đội đua ghe cho biết: “Đội đua ghe của chúng tôi gồm 24 vận động viên, dày dặn kinh nghiệm với nghề đi biển. Hai tuần nay ngư trường xuất hiện nhiều cá nên các thành viên ban đêm bám biển ra khơi, ban ngày dành thời gian để tập luyện”.

Anh Phạm Văn Lan, cán bộ văn hóa thị trấn Khánh Hải cho biết, đua ghe là môn thể thao gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông có từ xa xưa. Trước đây, hằng năm vào dịp lễ cầu ngư (ngày 20-4 âm lịch) các làng chài ven biển tỉnh ta từ Cà Ná đến Vĩnh Hải thường về địa phương để tranh tài. Thị trấn Khánh Hải vì thế trở thành trung tâm của ngày hội. Trong số các đội đua ghe của thị trấn, thì đội Ninh Chử 2 đạt nhiều thành tích nhất, từng được chọn đi tham gia thi đấu ở các tỉnh bạn như Bình Thuận, An Giang, Tp. HCM…

Ông Hai cho biết thêm, bí quyết dẫn đến thành công là nhờ sự đoàn kết của toàn thể ngư dân ở địa phương. Bà con đồng tâm hợp lực đóng góp tiền rước thợ lành nghề đóng một chiếc ghe bằng gỗ bằng lăng, dài 12 mét, chỉ sử dụng cho các cuộc đua. Ngày thường ghe được cất giữ trong lăng Ông, đến lễ cầu ngư bà con cúng thần trước khi hạ thủy. Ghe của khu phố Ninh Chử 2 thường lớn hơn, nặng hơn ghe của các đội khác nhưng trên đường đua luôn lướt sóng dẫn đầu. Bốn năm trở lại đây, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trang bị cho các đội đua ghe trong tỉnh một loại thuyền rồng cùng kích cỡ, chiếc ghe truyền thống xưa bà con đưa vào lưu giữ trong sân lăng Ông, trở thành di sản văn hóa của địa phương.

Theo quan niệm của ngư dân, đua ghe, ngoài thi thố tài năng giữa các vùng, thì còn ý nghĩa tâm linh là cầu cho biển lặng, gió yên, làm ăn thuận lợi. Đội ghe của làng nào thắng cuộc, thì năm đó ngư dân trong làng sẽ đánh bắt được nhiều tôm, cá. Chính vì vậy, các đợt đua ghe luôn hào hứng, sôi nổi, gay cấn với sự cổ vũ của nhiều người, mang nét văn hóa đặc sắc của cư dân biển.