Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chủ quyền biển đảo là bất khả xâm phạm

Chiều 25-7, ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, đồng chí Trương Tấn Sang đã dành cho báo chí cuộc trao đổi thẳng thắn về những vấn đề mà người dân đang rất quan tâm hiện nay: Biển Đông và phòng chống tham nhũng (PCTN).

Chủ quyền biển đảo Việt Nam là bất khả xâm phạm. Trong ảnh: Một công trình đảo chìm
ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: C.T.V.

Luật pháp đã đầy đủ, chỉ cần hành động!

- PV: Xin Chủ tịch nước cho biết quan điểm của mình về vấn đề mà người dân đang rất quan tâm hiện nay: PCTN?

Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG: Những vấn đề chung thì tôi đã nói trong bài phát biểu trước Quốc hội. Riêng về PCTN, đây là vấn đề rất bức xúc của cử tri cả nước khi chúng tôi tiếp xúc với cử tri nhân dịp bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về PCTN thì đã rõ, Nghị quyết của Đảng và luật pháp đều đã có, vấn đề là hành động thôi. ĐH Đảng lần thứ XI cũng đã đánh giá công tác PCTN có đạt một số kết quả nhất định nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Nên theo tôi, Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành đất nước, đặc biệt trong mặt trận PCTN để đáp ứng nguyện vọng, gửi gắm rất lớn của cử tri và đồng bào cả nước.

Tôi biết chắc rằng nhiều ĐBQH cũng đã hứa hẹn sẽ tích cực PCTN, chống lãng phí để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tôi hy vọng là các ĐBQH sẽ không chủ quan trước lời hứa này. Còn nhân dân có trách nhiệm kiểm tra giám sát chúng tôi, giám sát ĐBQH, trong đó có cá nhân tôi để góp phần thúc đẩy việc PCTN của khóa này có kết quả, ít ra là tốt hơn khóa vừa rồi.

- Chủ tịch nước nói chúng ta sẽ phấn đấu để công tác PCTN tốt hơn. Cụ thể là chúng ta sẽ thực thi nhiệm vụ luật pháp một cách nghiêm minh hơn như thế nào hoặc có cơ chế gì cụ thể hơn để làm tốt hơn công tác PCTN?

Qua đánh giá của ĐH Đảng XI, công tác PCTN có đạt một số kết quả nhưng so với mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Đảng, của QH thì chưa đạt. Mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Nhưng những kết quả PCTN vừa qua chưa đủ để ngăn chặn tham nhũng, cho nên phải tiếp tục. Việc PCTN không có gì khác hơn là phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng và luật pháp về PCTN. Ban chỉ đạo PCTN phải năng nổ và hoạt động tích cực hơn chức năng của mình. Mặt khác, cần phải rà soát lại cơ chế chính sách PCTN xem còn gì sơ hở nữa không, nếu cần thiết thì phải sửa. Tổ chức bộ máy và chỉ đạo ở từng khâu nếu thấy gì còn yếu, không phù hợp cũng phải sửa. Nói tóm lại, PCTN là phải hành động. Văn bản, giấy tờ rất nhiều, hết sức đầy đủ, không cần tốn công sức nhiều lắm để nghiên cứu nữa, còn lại chỉ là phải hành động một cách kiên quyết như gửi gắm của đồng bào cử tri cả nước đối với các ĐBQH khóa XIII.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo: Dựa vào lịch sử, pháp lý và quyền chiếm hữu thực tế

- Trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước có đề cập đến vấn đề biển Đông. Một số ĐBQH đề nghị QH kỳ này nên có nghị quyết về biển Đông, quan điểm của Chủ tịch nước về vấn đề này như thế nào?

Trong chương trình này, Chính phủ sẽ báo cáo QH về vấn đề biển Đông. Còn có ra nghị quyết không thì với thẩm quyền của mình, QH sẽ quyết định. Riêng cá nhân tôi cho rằng, việc ra nghị quyết hay không phụ thuộc vào tình hình và tùy thuộc vào ý chí của các ĐBQH. Lúc bấy giờ sẽ có tính toán. Tôi không thể nào và cũng không nên nói trước là cần phải thế này thế nọ. Chỉ có điều chắc chắn là sẽ có báo cáo của Chính phủ theo yêu cầu của QH và QH sẽ quyết định.

- Nhưng theo Chủ tịch nước, thời điểm này đã phù hợp để QH ra nghị quyết về vấn đề biển Đông chưa?

Lúc bấy giờ QH sẽ bàn tính. Vấn đề này theo chủ thể là QH, chứ không phải là Chủ tịch nước. Nhưng nếu các bạn hỏi tôi với tư cách là ĐBQH thì tôi xin nói, khi tới chương trình QH bàn về biển Đông, tôi sẽ thể hiện thái độ của mình.

- Theo quan điểm của Chủ tịch nước, Việt Nam cần làm gì để vừa giữ vững chủ quyền biển đảo, vừa đảm bảo được vị thế độc lập?

Như tôi đã phát biểu trước QH chiều nay, vấn đề chủ quyền biển đảo với bất cứ quốc gia nào cũng là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bất cứ công dân của quốc gia nào, dù to, nhỏ cũng đều có nhận thức chung như vậy. Việt Nam chúng ta cũng vậy. Để giữ vững chủ quyền biển đảo, theo tôi có 3 cơ sở quan trọng: luật pháp, lịch sử và chiếm hữu, khai thác thực tế.

Trong vấn đề luật pháp có luật quốc tế và quốc nội. Công ước biển năm 1982 là thành quả đấu tranh lâu dài của loài người, của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ. Ngày xưa, lãnh hải chỉ có 3 hải lý, sau đó mở rộng ra 12 hải lý rồi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa cho phép kéo dài đến 350 hải lý. Đó là thắng lợi trong quá trình đấu tranh của những nước nhỏ. Phải nói thẳng thắn như vậy, kể cả khi có các vị nước lớn ở đây, tôi cũng nói như vậy.

Nước lớn có vị thế khác, nước nhỏ có vị thế khác. Chúng ta là nước nhỏ nên phải dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, của Công ước biển 1982 để chúng ta bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế. Đó là quan điểm dứt khoát.

Đương nhiên, trên cơ sở Công ước biển 1982 chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, để xác lập quyền chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý cũng như về mặt thực địa. Cơ sở lịch sử, pháp lý và quyền chiếm hữu khai thác, sử dụng về mặt thực tế là 3 mặt của vấn đề để xác lập chủ quyền biển đảo.

Chưa đủ độ “chín” để nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước

- Có ý kiến đề nghị nhất thể hóa, tức là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Đây cũng là vấn đề đang được thảo luận và chắc sẽ đưa ra khi bàn về việc sửa Hiến pháp 1992. Ý kiến của Chủ tịch nước về vấn đề này?

Điều này phải phân biệt rõ ra. QH là cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát, cơ quan quyết định tối cao của đất nước về mặt nhà nước. Đó là chức năng của QH. Còn về việc có nhất thể hóa 2 chức danh này hay không đó là chuyện khác nữa. Đó là công tác bố trí và sử dụng cán bộ của Đảng lâu nay. Các kỳ ĐH Đảng đã bàn chuyện này, kể cả ĐH Đảng vừa rồi, các cấp từ xã huyện đến trung ương cũng bàn. Nhưng độ chín để đi đến quyết định 2 chức danh này là một thì chưa có sự nhất trí một cách tuyệt đối.

- Là cựu tù chính trị, ông sẽ quan tâm gì đến chế độ, chính sách dành cho người có công, trong đó có anh em cựu tù?

Cuộc kháng chiến của ta toàn dân toàn diện, ra ngõ gặp anh hùng. Nhà nào cũng có người có công. Điều đó, nhận thức của Đảng, nhà nước rất rõ ràng và lâu nay nhà nước vẫn không ngừng hoàn thiện chế độ chính sách để giải quyết lợi ích. Nhưng chính sách đó cũng đang phải được cải thiện dần dần theo quá trình mạnh lên của nước ta. Chúng ta phải dựa theo sức ta để giải quyết.

Theo dõi tình hình tôi thấy chính sách đang ngày càng tốt lên, đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn. Tôi hy vọng rằng đất nước đang đổi mới, ngày càng có nhiều thành tựu hơn thì chính sách, chế độ cũng ngày càng tốt lên.

- Chủ tịch nước suy nghĩ gì về bức xúc đối với những “con sâu làm rầu nồi canh”?

Đây là phát biểu của một ĐBQH, một cựu chiến binh bức xúc về tham nhũng. Lâu nay ông bà ta nói “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đồng chí đó nói “bây giờ không phải một con sâu mà nhiều con sâu”.

Đồng chí đó có hỏi tôi là phải làm thế nào đây, tôi trả lời: “Ông bà lâu nay nói chỉ một con sâu đã làm rầu nồi canh. Bây giờ đồng chí nói nhiều con sâu thì đúng là rất nguy hiểm. Đồng chí và tất cả chúng ta phải ra sức mà chống cho tốt, nếu phòng chống mà không tốt, trở thành một bầy sâu thì rất nguy hiểm cho đất nước này”.
Nguồn Báo SGGP