Chuyện thu mua trái dầu lai ở Phước Hải không là nỗi lo

(NTO) Trong những ngày vừa qua, tại xã Phước Hải (Ninh Phước) dư luận xôn xao về việc cây dầu lai đến kỳ thu hoạch nhưng không thấy người của Công ty Cổ phần Năng Lượng Xanh đến thu mua. Để tìm hiểu thực hư của vấn đề trên, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Phước Hải và được biết sự thật không phải như vậy.

Cây dầu lai (tên thông dụng trên thế giới là Jatropha) bắt đầu triển khai ương giống tại Phước Hải từ tháng 4, 5-2009, dự kiến trong những tháng cuối năm ấy khi có mưa sẽ đưa ra trồng. Theo hợp đồng, trước khi trồng phải đào hố và bón lót 2 kg phân chuồng cho từng hố trồng, nhưng do mưa làm ngập nước không lấy phân được nên việc trồng phải đình lại. Đầu năm 2010, nông dân mới khởi động đưa cây giống ra trồng trên vùng động cát hoang hóa, bạc màu với diện tích 154,7 ha, trong đó thôn Thành Tín trồng 120 ha và thôn Hòa Thủy trồng 34,7 ha. Dù không có mưa, cây vẫn sống khỏe nhưng sau đó nắng nóng kéo dài trên 2 tháng đã làm 70% cây dầu lai trồng bị chết héo. Trong quá trình trồng, thực hiện đúng hợp đồng, Công ty Cổ phần Năng Lượng Xanh đã đầu tư giống, phân, công trồng, chăm sóc bình quân 6 triệu đồng/ha và cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”. Thời gian đầu tư cây dầu lai bền vững và bao tiêu sản phẩm sẽ thực hiện trong 20 năm. Tuy nhiên gần đây công ty có khó khăn về tài chính song vẫn cử người đến giám sát chứ không hề bỏ rơi bà con. Anh Châu Văn Thuê, Trưởng thôn Thành Tín xác nhận: “Tôi thấy vẫn có cán bộ đến theo dõi tình hình cây dầu lai trồng và nghe nói do lượng trái thu hoạch ít quá, nên công ty chưa tổ chức thu mua. Hộ nào siêng chăm sóc làm cỏ, bón phân là có thu hoạch, nên có thể nói tỷ lệ cây chết nhiều cũng do bà con một phần, nhận tiền rồi nhưng bỏ vãi ra không chăm sóc”.

Đến thời điểm này, theo khảo sát của Hội Nông dân xã Phước Hải, trong diện tích cây dầu lai còn lại chỉ có gần 10 ha là đạt loại A (cây đủ cành và sinh trưởng tốt) và gần 20 ha đạt loại B (ít cành hơn). Do năng suất quá thấp, nếu thu hoạch trái lấy hạt chỉ cho sản lượng nhỏ lẻ không đáng kể, tính ra bán không đủ bù công hái nên nông dân bỏ đó. Một trong 8 hộ đạt loại A là ông Từ Công Thắng ở thôn Thành Tín, trồng 9 sào đều còn đủ cây sinh trưởng tốt và vẫn chưa có ý định thu hoạch. Ngay ông Châu Tím cùng thôn, dù trong 4,4 sào trồng đã chết 50% nhưng vẫn tiếp tục chăm sóc. Ông Lương giải thích: “Theo khuyến cáo của công ty, tuy cây trồng năm thứ 2 bắt đầu cho trái nhưng tốt nhất là để đến năm thứ 4 thu hoạch thì bền vững hơn, dù vậy công ty sẵn sàng thu mua bù giá cao hơn giá sàn đối với sản phẩm thu hoạch trong năm thứ 2, vấn đề là bà con không đủ sản lượng để bán”. Trong thực tế, Công ty Cổ phần Năng Lượng Xanh đã đầu tư gần 800 triệu đồng cho vùng trồng cây dầu lai Phước Hải từ khâu làm vườn ương giống tới khâu trồng và chăm sóc, đặc biệt 8 hộ làm vườn ương giống đều nhận đủ tiền theo hợp đồng dù mưa lụt gây hư hao thất thoát. Vẫn theo ông Lương, giả sử Công ty cổ phần Năng Lượng Xanh ngưng hoạt động, 95 hộ nông dân hợp đồng trồng cũng không mất gì bởi vùng đất động nếu không trồng cây dầu lai thì cũng bỏ hoang. Đó là chưa kể vẫn còn doanh nghiệp khác đang sẵn sàng thế chân nếu Công ty rút lui. Nói cách khác, đầu ra của hạt dầu lai luôn có sẵn, không có gì phải lo, ngoài doanh nghiệp lớn còn có tư thương cũng đang tìm mua.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cây dầu lai được chọn trồng trên đất nghèo dinh dưỡng, không chủ động nước, không cạnh tranh với cây trồng khác, tức là không trồng trên đất canh tác nông nghiệp và lâm nghiệp nên rất có ích cho việc phủ xanh đất trống khô cằn, chống xói mòn, góp phần tạo ra hiệu ứng to lớn về bảo vệ môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thức rõ điều đó, với vai trò trung gian đại diện tổ chức cho nông dân ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Năng Lượng Xanh, Hội Nông dân xã Phước Hải đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chăm sóc và phục hồi lại diện tích các cây dầu lai trồng đã chết trước đây.