Trở lại huyện miền núi Bác Ái vào một ngày trung tuần tháng mười, đi trên tuyến đường liên xã Phước Đại - Phước Tân được bê tông khang trang, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản nhộn nhịp. Anh Chamaléa Thiện ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, cho biết: Con đường này trước đây đi lại khó khăn, sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch trên rẫy rất khó vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Từ khi tuyến đường được đầu tư thì bà con phấn khởi và tự nguyện hiến đất làm đường giúp việc đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn trước.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Bác Ái phát triển. Ảnh: V.M
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Bác Ái đã triển khai nhiều giải pháp thu hút sự tham gia của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh nhằm khơi dậy tiềm năng các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Qua đánh giá, phân loại xếp hạng sản phẩm đến cuối năm 2022 toàn huyện có 6 sản phẩm OCOP/5 chủ thể được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 (Rượu chuối mồ côi, bưởi da xanh, hạt chuối cô đơn, dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính). Năm 2022, HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Phước Chính đăng ký tham gia sản phẩm gạo sạch Phước Chính. Kết quả, sản phẩm được hội đồng đánh giá và xếp hạng đạt 3 sao cấp tỉnh. Bà Cao Thị Thanh Huyền, đại diện HTX chia sẻ: Phước Chính là xã thuần nông, cuộc sống của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Nhằm giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo, năm 2020, HTX đã liên kết với 30 hộ trồng lúa, hỗ trợ giống lúa mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 20 ha ở cánh đồng mẫu lớn. Qua hơn 3 năm triển khai, mô hình không chỉ giúp nâng cao năng suất, sản lượng hạt gạo mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân ở địa phương. Đến nay, số hộ liên kết đã tăng lên gần 70 hộ, mỗi vụ sản xuất gần 70 ha, sản lượng gạo sạch cung ứng ra thị trường trên 50 tấn/vụ. Sản phẩm gạo của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh, thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Lâm Đồng, qua đó, góp phần đưa sản phẩm đặc thù của địa phương đến người tiêu dùng, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Cùng đó, nông nghiệp công nghệ cao cũng được xem là bước đột phá trong phát triển KT-XH của huyện Bác Ái. Nhờ lợi thế có quỹ đất còn nhiều, huyện đẩy mạnh thu hút các DN đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp CNC. Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Bác Ái đã quy hoạch 3 vùng phát triển nông nghiệp CNC tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng, thu hút được 5 DN đầu tư sản xuất với các loại cây trồng và vật nuôi như: Mía, dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ... Toàn huyện đã phát triển 24 trang trại chăn nuôi có liên kết với các DN chăn nuôi theo chuỗi khép kín, 7 trang trại trồng trọt, 6 trang trại tổng hợp và 1 trang trại thủy sản, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Tận dụng lợi thế vùng núi, diện tích đất tự nhiên rộng, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc. Thời gian qua, huyện Bác Ái đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, giúp tổng đàn gia súc của huyện tăng nhanh qua từng năm, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển đàn gia súc trên 92.000 con, trong đó: Đàn trâu trên 1.100 con; đàn bò trên 22.800 con; đàn dê, cừu trên 19.800 con; đàn heo gần 48.500 con. Qua đó đã tạo việc làm và giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa ở xã Phước Chính giúp người dân nâng cao thu nhập.
Nhờ được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp cùng với bản sắc văn hóa của các dân tộc: Raglai, Chu Ru... huyện đang từng bước đưa ngành du lịch phát triển đúng tiềm năng, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Trong đó, Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Phước Bình giai đoạn 2019-2022 bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, du khách đến tham quan, trải nghiệm năm sau cao hơn năm trước, nâng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch trên địa bàn huyện tăng trưởng bình quân 10%/năm. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đến nay, có 21/24 chỉ tiêu đạt và vượt 50% kế hoạch đề ra. Riêng năm 2023, dự kiến tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 1.930,8 tỷ đồng, đạt 74,95%; diện tích gieo trồng 11.500 ha, đạt 92%; huy động vốn đầu tư 1.185,5 tỷ đồng, đạt 53,89%; các chính sách an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục được triển khai kịp thời, quốc phòng, an ninh đảm bảo.
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ huyện Bác Ái tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và cơ chế đặc thù cho huyện đã được tỉnh phê duyệt; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh đưa huyện Bác Ái phát triển bền vững.
Kha Hân