Triển vọng mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở huyện Thuận Bắc

(NTO) Vài năm gần đây, một số hộ dân ở xã Bắc Phong và Lợi Hải của huyện Thuận Bắc đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trũng bị nhiễm phèn sang thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Mô hình nuôi cá trê thương phẩm tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc.

Một trong những hộ dân được xem đi đầu trong phong trào này ở xã Bắc Phong là ông Bùi Diễn, ở thôn Gò Sạn. Trước đây, trên 2 sào đất ruộng của mình, ông Diễn đã đầu tư trồng lúa và nhiều loại hoa màu khác nhau, nhưng tất cả mang lại lợi nhuận không đáng kể. Năm 1999, ông mạnh dạn đầu tư gần 8 triệu đồng để cải tạo diện tích đất ruộng nói trên thành ao nuôi cá trê thương phẩm. Mặc dù vừa nuôi, vừa học tập kinh nghiệm, nhưng sau mỗi vụ nuôi gia đình ông Diễn thu lãi gần 10 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của việc nuôi cá nước ngọt thương phẩm, năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã chọn diện tích ao đìa của ông Diễn để triển khai mô hình nuôi cá trê bằng công nghệ trải bạt. Ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ bạt, Sở KH-CN còn phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc hỗ trợ cho gia đình ông Bùi Diễn 19.000 con cá giống và 560 kg thức ăn để thực hiện mô hình, nhờ đó mỗi vụ nuôi gia đình ông Diễn thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Ông Diễn cho biết: “Mô hình nuôi cá nước ngọt theo cách trải bạt mà Sở KH-CN chuyển giao rất hiệu quả, ngoài việc hạn chế được số lượng cá hao hụt còn tránh được tình trạng dịch bệnh xảy ra”. Nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình, trong năm 2011, UBND huyện Thuận Bắc đề xuất thực hiện Dự án “Mô hình nuôi thử nghiệm 2 mô hình nuôi ghép: cá trê lai + cá chim trắng; cá trê lai + cá chép + cá điêu hồng”. Thông qua mô hình này, Sở KH-CN tiếp tục chọn hộ ông Bùi Diễn để hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, 50% giống và thức ăn, giúp gia đình ông giảm bớt gánh nặng tiền đầu tư vào mỗi vụ nuôi. Qua gần một tháng thả nuôi, đến nay các giống cá đã thích nghi với môi trường và phát triển rất tốt. Dự kiến đến tháng 11 tới.

Ngoài việc chuyển giao kỹ thuật, đầu tư giống cá, thức ăn cho gia đình ông Diễn, hiện Sở KH-CN còn đầu tư 7.000 con cá giống (gồm: 5.000 con cá trê lai, 1.000 con cá điêu hồng và 1.000 con cá chép) và 50% thức ăn cho hộ ông Phan Thanh Vàng, ở xã Lợi Hải để thực hiện mô hình nuôi ghép giữa 3 loại cá: trê, điêu hồng và chép, trên diện tích 1.000 m2. Do đìa nuôi rộng, nên ngoài số cá giống được Sở KH-CN hỗ trợ, gia đình ông còn đầu tư thêm 7.000 con cá giống để bổ sung vào hồ. Thức ăn của các loại cá này cũng rất dễ, ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên có sẵn, bà con có thể tận dụng các phế phẩm phụ trong nông nghệp bổ sung làm thức ăn cho cá, vì thế so với trồng lúa thì việc nuôi cá nước ngọt thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều.

Anh Phạm Thanh Hưng, Phó Phòng Phụ trách Quản lý khoa học công nghệ cơ sở, Sở KH-CN nhận định: “Điểm thuận lợi trong việc nuôi ghép giữ 3 loại cá nói trên đó là tận dụng hết các loại thức ăn, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường do thức ăn dư thừa. Không chỉ thế các loại cá này còn có thể nuôi ở diện tích nhỏ hẹp từ 50 m2 trở lên, rất phù hợp với đặc thù của các địa phương.”

Qua thực tế mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở huyện Thuận Bắc cho thấy, đây là một hướng đi mới cho người nông dân địa phương tận dụng những vùng đất sản xuất kém hiệu quả để phát triển nuôi cá nước ngọt, góp phần làm giàu chính đáng. Để mô hình mang lại hiệu quả thật sự, bà con nông dân rất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng về mặt kỹ thuật và con giống. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin rằng mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm sẽ còn đạt được kết quả cao hơn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.