Việt Nam – EU hướng tới tự do thương mại

Với giá trị xuất khẩu sang EU chiếm 16% GDP cả nước (tương đương 14,9 tỷ USD), EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Việc ra đời FTA Việt Nam – EU sẽ thúc đẩy mạnh hơn thương mại song phương và gia tăng các cơ hội đầu tư cho cả hai bên.

Lợi ích song phương

Việt Nam gần đây đã ký một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Sau khi các FTA này được ký kết, kết quả rõ nhất là thương mại song phương của Việt Nam tăng mạnh, các cơ hội đầu tư cũng gia tăng. Tiếp tục tiến trình này, hiện nay Việt Nam đang tích cực tìm kiếm cơ hội để đàm phán thêm các FTA với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông sản (ảnh KT)

Lợi ích tiềm năng từ FTA Việt Nam – EU được ông Claudio Dordi – chuyên gia của dự án Mutrap 3, đưa ra đầu tiên là việc hạ thấp thuế quan của EU, điều này sẽ giúp tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng chủ chốt (dệt may, da giày, thuỷ sản) vào EU. Đồng thời với đó, việc hạ thấp thuế quan của Việt Nam giúp cho việc nhập khẩu từ EU các hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao với giá rẻ hơn. Ngoài ra, FTA còn giúp tăng đầu tư của EU vào Việt Nam và tăng cường tính cạnh tranh cho Việt Nam trên toàn cầu.

Nhận xét từ góc độ phòng vệ thương mại, việc ký kết FTA Việt Nam – EU sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho cả hai bên. TS Đinh Thị Mỹ Loan – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hai bên sẽ có cơ hội bình luận, giải quyết ôn hoà những khúc mắc phát sinh, xử lý những khó khăn mà các nhà xuất khẩu Việt Nam thường gặp phải.

Ông Juan Jose Almagro – cố vấn, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Thị trường EU hiện có hơn 500 triệu người tiêu dùng; là nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm trên 20% tổng GDP toàn cầu trong năm 2010, sức mua tăng theo thu nhập đầu người (khoảng 50.000 USD/năm). Khuôn khổ pháp lý của EU hội nhập cao sau 50 năm hài hoà hoá. Một thuế quan duy nhất trên toàn khối EU, chính vì vậy, hàng hoá được lưu thông miễn phí khi một sản phẩm đã vào được EU”.

Hiện nay, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với thương mại hai chiều trong năm 2010 đạt 15,5 tỷ USD. Việt Nam xuất các mặt hàng chủ lực sang EU như: da giày, may mặc, cà phê, thuỷ sản và đồ gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU xấp xỉ khoảng 4,13 tỷ USD năm 2010. EU xuất khẩu sang Việt Nam nhiều sản phẩm như máy móc, kính mắt, dược phẩm, sắt, thép, thiết bị viễn thông, ô tô…

Theo ông Juan Jose Almagro, Việt Nam đã phải chịu thâm hụt thương mại trong nhiều năm (14,85 tỷ USD năm 2009 và 14,2 tỷ USD trong năm 2010). và đã thất bại trong việc kiểm soát thâm hụt thương mại dưới 20% tổng thu xuất khẩu của cả nước. “Thâm hụt thương mại của Việt Nam là vấn đề song phương liên quan tới đối tác duy nhất. Nó không phải là vấn đề về cơ cấu với các đối tác khác mà chỉ là với Trung Quốc, năm 2009 là 77,64% và năm 2010 là 90%. Cán cân thương mại của Việt Nam có dấu hiệu khả quan và có khả năng cạnh tranh đối với các đối tác như EU (5 tỷ USD), với Hoa Kỳ (10,5 tỷ USD)” – ông Juan Jose Almagro nói.

Theo tính toán bước đầu của ông Claudio, trong thương mại hàng hoá, các thuế quan và các hạn chế về mặt định lượng có thể sẽ được xoá bỏ. Có thể điều này sẽ áp dụng cho ít nhất 90-95% các dòng thuế.

Còn ông Juan Jose Almagro thì đưa ra con số rất tích cực, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết, mỗi năm hai bên sẽ tiết kiệm được khoảng 100 triệu euro. “Như vậy, việc ký kết FTA Việt Nam – EU không đơn thuần chỉ có ý nghĩa kỹ thuật” – ông này nói.

Cùng vượt qua rào cản khác

Ông Lê Quang Lân – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) khẳng định: Với bất kỳ FTA nào thì năng lực của doanh nghiệp cũng là rất quan trọng, là yếu tố căn bản để bước vào đàm phán. Các doanh nghiệp của Việt Nam còn hạn chế về năng lực sản xuất, tiếp cận thông tin. “Tuy nhiên, với mong muốn của chúng ta về một FTA mang lại lợi ích cho DN thì việc đầu tiên chúng tôi tiếp tục tham khảo các hiệp hội, doanh nghiệp về khả năng của chúng ta có thể cạnh tranh, phát huy được đến đâu trong quá trình xuất khẩu sang EU” – ông Quang Lân cho biết.

Chia sẻ những băn khoăn này, ông Nguyễn Hữu Phải – Tổng Giám đốc Công ty May Bắc Giang cho biết: “Hiện doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU với hình thức gia công là chủ yếu. Hàm lượng giá trị trong sản phẩm xuất khẩu không cao, đạt khoảng 20% giá trị FOB. Thị trường EU khá khó tính với hàng rào kỹ thuật đòi hỏi cao cũng là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp dệt may. Để đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu vào EU, Việt Nam không chỉ phải đáp ứng yêu cầu của 1 mà là 27 nước trong khối này”.

Hàng dệt may tăng trưởng khá sau khi ký kết FTA với các đối tác (ảnh KT)

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Phải, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam chủ yếu nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Vì vậy, nếu phía EU yêu cầu nguyên phụ liệu phải có nguồn gốc ở Việt Nam mới được hưởng thuế suất ưu đãi thì tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế là rất ít.

Khẳng định rõ hơn về quan điểm đàm phán trong vấn đề này, ông Quang Lân cho biết: “Chúng ta phải đảm bảo rằng qui tắc xuất sứ đó phải phù hợp với năng lực thực hiện của doanh nghiệp Việt Nam. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có cơ hội hưởng ưu đãi từ FTA với EU. Đấy là mục đích phải đạt được: giảm thuế nhập khẩu của đối tác, đồng thời làm cho qui tắc xuất sứ đó phải phù hợp với năng lực để tận đụng được ưu đãi đó”.

Hiện nay, EU đang đàm phán FTA với Singapore, Malaysia và đang khởi động đàm phán với Việt Nam. Các đối tác khác trong ASEAN như Philippines, Thái Lan cũng bắt đầu giai đoạn khởi động. Tất cả các FTA này đều hướng tới một mong muốn là EU thực sự có được khuôn khổ hợp tác chung với các nước ASEAN. Và ASEAN cũng mong muốn các FTA song phương giữa EU và từng nước sẽ là những viên gạch từng bước xây nên một thoả thuận trong khu vực ASEAN và EU.

Hiện nay, Việt Nam và EU đang trong giai đoạn định hướng đàm phán. Lợi ích của Việt Nam khi tham gia FTA Việt Nam – EU là tăng cường xuất khẩu trong những lĩnh vực chủ lực như nông sản, thuỷ sản, hải sản. Phía EU cũng có những yêu cầu với Việt Nam về xuất khẩu của EU với các mặt hàng máy móc thiết bị, ô tô…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam