Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển thủ đô

Thủ tướng Chính phủ vừa Ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Theo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội của Hà Nội
từ nay đến năm 2020 là khoảng từ 179 đến 190 tỷ USD.

Theo Quy hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015, GDP bình quân đầu người tính theo giá thực tế đạt 4.100-4.300 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 7.100-7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000 -17.000 USD vào năm 2030.

Về Quy mô dân số, đến năm 2015, Hà Nội sẽ đạt 7,2-7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9-8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015 và 70-75% vào năm 2020, đưa Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực.

Quy hoạch cũng nêu rõ, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ, bao gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bưu chính - viễn thông, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục-đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc.

Bên cạnh lĩnh vực dịch vụ, Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: Công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm... Giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 dự kiến xây dựng mới và mở rộng 15 Khu công nghiệp.

Cũng theo Quy hoạch tổng thể này, Hà Nội sẽ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, các công trình ngầm, xây dựng các vành 4 và 5.

Hà Nội sẽ tổ chức không gian đô thị theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Các đô thị vệ tinh sẽ bao gồm: Đô thị Hòa Lạc, đô thị Sơn Tây, đô thị Xuân Mai, đô thị Phú Xuyên, đô thị Sóc Sơn. Hình thành các khu du lịch sinh thái quy mô lớn tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Sơn - Quan Sơn.

Theo quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011-2015 tương ứng khoảng 69-70 tỷ USD; giai đoạn 2016-2020 khoảng 110-120 tỷ USD.

(Theo VTV)