Nước “tự chảy” hồ Ông Kinh

(NTO) Đầu tháng 7 nắng bỏng rát, chúng tôi trở lại hồ Ông Kinh thuộc xã Nhơn Hải, (Ninh Hải) khi mực nước hồ đã xuống còn khoảng 264.000 m3, chưa đầy 1/3 dung tích chứa của hồ. Đưa tôi đi dạo trên bờ đập, anh Võ Đăng Trung, cán bộ quản lý hồ Ông Kinh nói: “Còn nước cỡ này là rất mừng, so với mọi năm, mực nước tại thời điểm này cao hơn hẳn nhờ có các cơn mưa lớn trong tháng tư tích nước cho hồ”.

Các ống nhựa dẫn nước về vùng sản xuất...

Đối với vùng đất khô hạn vào bậc nhất, nhì tỉnh ta như Nhơn Hải, nước là yếu tố được nông dân quan tâm hàng đầu mỗi khi vào vụ sản xuất. Từ khi có hồ Ông Kinh, vấn đề nước đã giải quyết phần nào, theo thiết kế hồ phục vụ tưới cho diện tích 52 ha, chủ yếu là khu vực canh tác gần hồ. Thế nhưng do hồ chỉ phụ thuộc vào mưa, có mưa mới có nước tích tụ chứ không có bất kỳ con sông, con suối nào đổ về nên vào mùa khô hạn, hồ thường cạn nước, có năm chỉ còn trơ đáy. Theo anh Nguyễn Lên, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Tường 1, trước đây hệ thống dẫn nước từ hồ Ông Kinh có 2 tuyến kênh gồm tuyến chính được bê-tông hóa dẫn về thôn Khánh Nhơn dài 2 km và tuyến dẫn ra vùng rẫy thôn Mỹ Tường 1 dài 1 km, ngoài ra còn có các tuyến kênh nhánh N1, N2, N3, N4, được đắp bằng đất thịt pha cát chưa được xây dựng kiên cố. Vì vậy nước chảy trong các tuyến kênh mương này đã hao hụt nhiều, phần lớn thẩm thấu vào đất, một số rẫy nằm cuối kênh đã không lấy được nước. “Nước hiếm, chuyện tranh chấp nước xảy ra như cơm bữa dẫn đến cãi vã, gây gỗ giữa nông dân với nhau”, anh Lên nhớ lại.

“Cái khó ló cái khôn”, chính trong bối cảnh khô nóng, thiếu nước như vậy, nông dân địa phương nảy ra sáng kiến tiết kiệm nước, được chính quyền xã ủng hộ và doanh nghiệp quản lý chấp thuận. Thay vì xả vào kênh, nước được giữ trong hồ, nông dân có nhu cầu sẽ đặt ống vắt qua đỉnh đập, dùng máy trực tiếp bơm nước dẫn về. Điều thú vị là nhờ đáy hồ cao hơn vùng đất sản xuất, nông dân chỉ cần khởi động máy bơm nước “mồi” vào ống, đủ áp lực nước tự động chảy không cần đến máy bơm nữa nên tiêu hao nhiên liệu chẳng đáng kể. Về đến vùng sản xuất, mỗi đường ống tự chảy đều có làm van đóng mở an toàn, luôn được kiểm tra chặt chẽ. Ông Kỳ Tâm, một nông dân có 8 sào rẫy cách chân đập nước không xa cho biết: “Nhờ bắc đường ống tự chảy, tôi đã không còn lo thiếu nước tưới, 6 sào nho trồng và các hoa màu khác của tôi đã luôn đạt sản lượng cao”. Cũng từ khi có sáng kiến trên, nông dân đều nêu cao tính tiết kiệm, tự giác, chỉ mở van khi tưới, nếu phát hiện có đường ống của ai bị rò rỉ sẽ thông báo ngay cho người đó khắc phục. Anh Võ Đăng Trung giải thích: “Người dân đã hiểu cần hợp tác với nhau để bảo vệ nguồn nước quý này. Theo tính toán của chúng tôi bằng việc sử dụng ống dẫn nước thay kênh đã ngăn chặn được tình trạng thất thoát nước trước đây và tăng thêm 40% diện tích đất canh tác được tưới”.

Nước không còn là nỗi lo của nông dân thôn Mỹ Tường 1.

Các đường ống được người dân dùng dẫn nước là loại ống nhựa có đường kính từ 6 phân đến 8 phân, thường ống đầu nguồn lớn nhưng khi về tới rẫy thì giảm dần. Theo ước tính có khoảng từ 40 đến 50 đường ống dẫn nước từ hồ Ông Kinh với chiều dài trung bình mỗi ống từ 300 mét đến hơn 2.000 mét. Ông Nguyễn Quý, có nương rẫy xa đã phải lắp đặt 2.500 mét ống loại đường kính 8 phân nói: “Chi phí cho toàn bộ đường ống dài này hết 80 triệu đồng, dù tốn kém nhưng tôi thấy hài lòng vì hiệu quả mang lại rất lớn”. Thực vậy, tôi được biết nhờ tận dụng lợi thế của địa hình chân đập cao để khai thác dẫn nước qua ống, diện tích trồng nho trong khu vực ven hồ đã tăng thêm 30 ha, nhiều nông dân trồng nho như các ông Đàm Tất (có 6 sào), Lê Minh Trung (1,2 ha), Nguyễn Minh Châu (5 sào) đã thu lãi từ mỗi sào nho vài chục triệu đồng/vụ. Nước từ ống dẫn đã giúp tưới mát cả vùng đất gò và nhiều vùng đất bỏ hoang trước đây, biến các vùng này thành những vườn rẫy trồng nho, táo và hoa màu tươi tốt.

Từ sáng kiến tiết kiệm nước của người nông dân, vùng đất sản xuất nông nghiệp của thôn Mỹ Tường 1, một phần của cánh đồng Mỹ Tường 2 và Mỹ Phong (Thanh Hải) đã mang diện mạo mới, trở thành bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương có điều kiện tự nhiên khô hạn tương tự. Trong thực tế, nếu có thể chặn giữ khối lượng nước khổng lồ tràn qua đập vào mùa mưa lũ hằng năm bằng cách nạo vét, mở rộng thêm lòng hồ, gia cố cho đập cao hơn, hồ Ông Kinh sẽ còn phát huy tác dụng hơn nữa. Có đủ nước tưới và giá như được đầu tư điện phục vụ sản xuất, tin rằng nông dân nơi đây sẽ còn có thêm sáng kiến mới để khai thác hiệu quả tiềm năng của vùng đất khô nóng này.