Liệu I-ta-li-a có thể trở thành quân cờ đô-mi-nô kế tiếp ở châu Âu?

Trang tin điện tử bloomberg mới đây đăng bài phân tích có tiêu đề "Liệu I-ta-li-a có thể trở thành quân cờ đô-mi-nô kế tiếp sẽ bị đổ ở châu Âu?" của Giáo sư Simon Johnson thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, trong đó cho rằng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện vẫn chưa được kiểm soát, mặc dù bộ trưởng tài chính các nước châu Âu đã phê chuẩn khoản tín dụng thứ hai cho Hy Lạp sau khi Quốc hội nước này thông qua các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới.

Chính phủ Italia mới thông báo có kế hoạch tiết kiệm 51 tỷ euro (khoảng 73 tỷ USD) trong vòng 3 năm tới nhằm cân bằng ngân sách vào năm 2014, đồng thời hy vọng sẽ tái khởi động nền kinh tế yếu ớt thông qua các biện pháp như miễn giảm thuế cho các doanh nhân trẻ và cho phép các cửa hiệu kéo dài thời gian bán hàng vào cuối tuần. Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" này của Italia là nhằm đáp ứng các quy định về thâm hụt ngân sách của Liên minh châu Âu (EU), nhưng quan trọng hơn là nhằm xua tan những lo ngại về khả năng thanh toán của nước này, trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng hiện. Bộ trưởng Kinh tế I-ta-li-a Giulio Tremonti cho biết dự luật ngân sách "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ hy vọng Quốc hội sẽ thông qua vào cuối tháng 7-2011 bao gồm việc ngừng tăng lương cho các nhân viên thuộc khu vực nhà nước trong vòng 4 năm, đưa ra các mức lệ phí về khám chữa bệnh và giảm nguồn ngân sách cấp cho các chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, Chính phủ I-ta-li-a cũng đặt mục tiêu tăng sức sản xuất của nước này vốn nằm trong các mức thấp nhất châu Âu. Trong số những biện pháp đã được vạch ra có việc miễn giảm thuế cho những doanh nhân trẻ mới thành lập doanh nghiệp trong 5 năm đầu tiên. Một trong những vấn đề lớn nhất của I-ta-li-a hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ. Theo Cơ quan thống kê quốc gia I-ta-li-a (ISTAT), tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên (ở độ tuổi 15-24) trong quý I/2011 đã vọt lên 29,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tổng thể trong tháng 5 là 8,1%.

Là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Âu và có mức nợ công chiếm tới 120% GDP, Italia đang bị dư luận quốc tế chú ý sau khi hai hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor ''s và Moody''s mới đây cảnh báo họ có thể hạ cấp mức xếp hạng tín nhiệm nợ công của Italia. Standard & Poor''s ngày 4/7 dọa sẽ hạ mức xếp xếp hạng tín nhiệm nợ Hy Lạp xuống mức D (mức mất khả năng trả nợ), trong khi Moody''s ngày 5/7 cho rằng các ngân hàng có thể phải gánh chịu tổn thất lớn, và điều đó có thể buộc tất cả phải quay trở lại bàn thảo luận. Với một bức tranh tài chính bấp bênh, I-ta-li-a có thể là nước kế tiếp rơi vào tình trạng phải hứng chịu những sức ép. Và lần này, các ngân hàng Mỹ sẽ rơi vào tình trạng "nước sôi lửa bỏng" do họ đang cho Italia vay khoảng 35 tỷ USD, và có thể hứng chịu rủi ro nhiều hơn nữa thông qua các thị trường phái sinh.

Các nhà điều tiết thị trường Mỹ giờ đây nên kêu gọi thực hiện một đợt kiểm tra mức độ an toàn mới đối với vấn đề tái cơ cấu nợ ở châu Âu, đồng thời có một cái nhìn thực tế về những rủi ro trên các thị trường không rõ ràng như thị trường hoán đổi ngoại hối. Dựa trên những cuộc kiểm tra này, các ngân hàng lớn nhất có lẽ cần phải đình chỉ việc chi trả cổ tức và huy động thêm vốn nhằm tạo vật đệm để đối phó với các khoản thua lỗ. Nhiều bên tham gia thị trường cho rằng Hy Lạp cuối cùng sẽ nỗ lực tái cơ cấu một cách có trật tự số nợ của mình, theo đó các chính phủ châu Âu, cùng với IMF, sẽ cam kết cung cấp thêm nguồn lực và các ngân hàng châu Âu sẽ đồng ý kéo dài kỳ hạn thanh toán trái phiếu và các khoản cho vay. Lúc đó, sự tác động đối với Italia có thể sẽ đáng kể.

IMF mới đây dự báo nợ công của Italia sẽ tăng tới 120% GDP trong năm nay và sau đó giảm nhẹ xuống 118% vào cuối năm 2016. Lãi suất trái phiếu chính phủ I-ta-li-a cuối tuần qua đứng ở mức 4,9%, và có mức chênh lệch so với trái phiếu chính phủ của Đức đã nới rộng lên tới khoảng 2 điểm phần trăm (trái lại, chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ giữa Hy Lạp và Đức hiện khoảng 13 điểm phần trăm). Sự gia tăng hơn nữa về tỷ lệ lãi suất trái phiếu có thể khiến các dự báo về nợ công của Italia hướng đến các mức giống như của Hy Lạp. Các nhà đầu tư chỉ mới bắt đầu hiểu rằng họ sẽ sớm phải đối mặt với những tổn thất do các khoản cho vay đối với Hy Lạp gây ra. Mãi cho đến gần đây, người ta mới đặt ra giả định rằng những người đóng thuế ở Đức, Hà Lan và Bắc Âu sẽ cứu trợ các chính phủ đang bị thất bại thuộc các nước ngoại vi khu vực đồng euro (Eurozone), ít nhất là ở mức độ cần thiết nhằm bảo vệ các chủ nợ tránh khỏi những thiệt hại. Nợ quá hạn của Hy Lạp hiện vào khoảng 360 tỷ euro và những tổn thất tiềm tàng về tín dụng trong bất kỳ hành động cơ cấu nào là từ khoảng 100 đến 200 tỷ euro. Số tiền này tương đối nhỏ so với nền kinh tế trị giá 12 nghìn tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, I-ta-li-a có gần 2 nghìn tỷ euro nợ quá hạn. Thật không thể tưởng tượng được rằng Đức hoặc IMF có khả năng cung cấp một khoản cứu trợ lớn để bảo vệ các chủ nợ của họ. Một khoản cứu trợ trọn gói như vậy sẽ phải bao gồm các khoản cho vay và các khoản bảo đảm ít nhất là 500 tỷ, hoặc có thể là 1 nghìn tỷ euro, để bơm vào các thị trường. Đây sẽ là một khoản đáng kể so với GDP khoảng 2,5 nghìn tỷ euro của Đức. Với tỷ lệ nợ so với GDP khoảng 80%, khả năng của Đức trong việc gánh thêm khoản nợ mới là hạn chế. Hà Lan, Phần Lan và Áo, kết hợp với Đức, có tổng GDP khoảng 3,5 nghìn tỷ euro. Trong khi đó, Pháp có GDP khoảng 2 nghìn tỷ euro, nhưng nợ của nước này hiện đã đứng ở mức 85% GDP và dự kiến sẽ còn tăng trong vài năm tới. Tất cả những điều trên cho thấy châu Âu không có đủ năng lực tài chính để xử lý một cuộc khủng hoảng ở I-ta-li-a, ít nhất là theo cách bảo vệ các chủ nợ.

(Theo TTXVN)