Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác pháp chế địa phương

Ngày 22-6-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về việc tăng cưởng sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác pháp chế địa phương. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn chỉ thị này.

Trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; công tác củng cố, nâng chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế các sở, ngành đã bước đầu có sự chuyển biến tiến bộ; đội ngũ cộng tác viên pháp chế được tăng cường, cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động pháp chế đã được quan tâm hơn. Kết quả hoạt động của các tổ chức pháp chế đã tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật; góp phần tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân tại địa phương.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, công tác pháp chế còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống tổ chức pháp chế chưa được hoàn thiện, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động của tổ chức pháp chế chưa bảo đảm. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; công tác quản lý nhà nước về pháp chế chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân trước hết là do các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp, các ngành và các doanh nghiệp nhà nước chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác pháp chế; chưa nghiêm túc triển khai, thực hiện chủ trương, quy định của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác pháp chế.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011-2015; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban cán sự Đảng, đảng đoàn; cấp ủy, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ như sau:

1. Chỉ đạo rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời phân công cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo phụ trách từng phần việc, định thời gian hoàn thành để thực hiện công tác pháp chế đã được quy định tại Nghị định 122/2004/NĐ-CP ngày 18-5-2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước và Chỉ thị 16/2007/CT-UBND ngày 12-4-2007 của UBND tỉnh Ninh Thuận. Tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế đủ số lượng, nâng cao chất lượng; coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng, theo dõi, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

2. Đẩy mạnh công tác thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chủ trương chuyển đổi mô hình doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, Nghị định 16/2010/NĐ-CP ngày 3-3-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để các cấp, các ngảnh nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức công tác pháp chế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước. Trên cơ sở đó có kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ với những giải pháp tích cực, quyết liệt để bảo đảm hiệu quả công tác pháp chế phục vụ các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và địa phương.

3. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, cấp ủy, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan đơn vị thuộc UBND tỉnh, lực lượng vũ trang trực tiếp chỉ đạo kiện toàn tổ chức và có biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động pháp chế tại cơ quan, đơn vị mình. Đảng ủy khối doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, xây dựng văn bản, công tác góp ý, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

Các ban cán sự đảng: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh; các Đảng ủy: Công an, Quân sự, Biên phòng và thủ trưởng Cục Thi hành án, Chi cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm cần đặc biệt coi trọng công tác pháp chế trong hoạt động tư pháp, nhất là các hoạt động bắt giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đồng thời thông qua hoạt động cần chú ý làm tốt việc kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc chấn chỉnh công tác quản lý và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao pháp chế XHCN.

4. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu công tác pháp chế của cơ quan, đơn vị; bố trí cán bộ, công chức pháp chế có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực để thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Chính phủ và đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế của từng cơ quan, đơn vị; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức pháp chế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; xây dựng văn bản, rà soát và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định, bảo đảm tính hiệu quả và tính khả thi của văn bản, phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

5. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình đặc điểm của cơ quan, đơn vị để tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện tốt các nội dung của chỉ thị.

Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc triển khai, thực hiện chỉ thị này; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy.