Đất hiếm ở Thái Bình Dương thách thức vị thế độc quyền của Trung Quốc

Theo nghiên cứu do tạp chí Journal Nature Geoscience vừa công bố, sự độc quyền của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm đang đứng trước thách thức sau khi các nhà địa chất Nhật Bản phát hiện trữ lượng lớn đất hiếm ở đáy Thái Bình Dương. Đất hiếm chứa 17 loại khoáng sản, được dùng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, như xe điện, TV màn hình phẳng, iPod, tuốcbin gió, máy lade, tên lửa và nhiều sản phẩm công nghệ tiên tiến khác.

Mặc dù được gọi là "đất hiếm", nhưng trên thực tế thứ kim loại này lại khá dồi dào trên vỏ Trái Đất. Vấn đề nằm ở chỗ lớp trầm tích đất hiếm mỏng và nằm rải rác, trong khi những nơi được phép khai thác thương mại hoặc không phải tuân thủ các hạn chế về môi trường lại không nhiều. Kết quả là đất hiếm đôi khi được "tôn vinh" là "vàng của thế kỷ 21" xét về mức độ hiếm và giá trị của nó.

Sản lượng đất hiếm hầu như tập trung ở Trung Quốc, chiếm 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới 1/3 trữ lượng khoáng sản này nằm ở Liên Xô cũ, Mỹ và Ô-xtrây-li-a. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Geoscience, một lượng lớn đất hiếm hiện nằm trong lớp bùn dày ở đáy Thái Bình Dương dưới độ sâu hơn 50 m.

Lớp khoáng sản này mất hàng triệu năm tích lũy và để có nửa cm đất hiếm cũng phải mất hàng nghìn năm. Theo nghiên cứu trên, tại khu vực trung tâm Bắc Thái Bình Dương, chỉ cần khai thác 1 km2 cũng đã có thể đáp ứng được 1/5 nhu cầu tiêu thụ đất hiếm hàng năm của thế giới.

Trung Quốc hiện chi phối tới 97% sản lượng đất hiếm của thế giới. Trong vài năm trở lại đây, thị trường đất hiếm khá căng thẳng. Trung Quốc đã cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu để củng cố ngành khai thác đất hiếm và xây dựng dự trữ quốc gia. Quyết định này của Trung Quốc đã khiến cho xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc giảm 9,3% năm 2010.

Theo AFP