Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 lên 2,1%
Hồi tháng 1/2023, WB cảnh báo GDP toàn cầu đang chậm lại và đứng trước bờ vực suy thoái. Tuy nhiên, sau đó, sức mạnh của thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ đã vượt kỳ vọng, cộng thêm sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng, chống dịch COVID-19, đã khiến cho nền kinh tế thế giới có tín hiệu khởi sắc.
Sau gần 3 năm thực hiện các biện pháp hạn chế dịch bệnh nghiêm ngặt, vào tháng 12/2022, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách Zero Covid vốn đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này và kinh tế thế giới. Tình hình "đảo chiều" tại Trung Quốc khi các hoạt động kinh tế được phục hồi nhanh, đưa Trung Quốc trở lại thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất của toàn cầu.
Trong khi đó, mối lo kinh tế thế giới lâm vào suy thoái cũng đã được loại bỏ khi nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ có dấu hiệu hồi phục tốt. Thống kê cho thấy những tín hiệu mới đáng chú ý từ nền kinh tế này như số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp theo tuần đã giảm thấp nhất trong 53 năm qua, hoạt động kinh doanh trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, chỉ số theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng lên 54,5 trong tháng 5, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 4/2022. Việc mới đây Mỹ đạt được thỏa thuận trần nợ công sau nhiều tranh cãi cũng đã tránh cho Mỹ khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
WB dự báo, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2023.
Một điểm đáng chú ý nữa là thương mại toàn cầu đã sáng hơn, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi và chuỗi cung ứng toàn cầu đang được bình thường hóa trở lại. Hoạt động thương mại toàn cầu quý I/2023 tăng nhẹ, khoảng 1% với sự đóng góp tích cực của thương mại dịch vụ, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.
Quý I/2023 thị trường tài chính toàn cầu cũng chứng kiến thêm các đợt điều chỉnh tăng lãi suất của nhiều nền kinh tế, trong đó đáng chú ý là các đợt điều chỉnh của ngân hàng trung ương các nước lớn như Mỹ, Anh, EU để kiềm chế đà tăng của lạm phát. Lạm phát được dự báo nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023, rõ nét nhất là trong khối các nước phát triển, lạm phát dự báo sẽ có thể quanh ngưỡng 5% - vẫn cao hơn mục tiêu đề ra là 2% nhưng đã giảm gần một nửa so với năm ngoái.
Trước những tín hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 6/6, WB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên mức 2,1%, cao hơn so với mức dự báo 1,7% được đưa ra hồi tháng 1.
Hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 xuống còn 2,4%
Báo cáo của WB lưu ý tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế. Những yếu tố này dự kiến tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong năm 2024, khiến tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với các dự đoán trước đó.
Theo WB, những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng cũng đang góp phần khiến các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024. Một trong những kịch bản bất lợi được WB đưa ra là căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng dẫn đến khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng và thị trường tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến bị ảnh hưởng lớn hơn. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 1,3%, tốc độ chậm nhất trong vòng 30 năm, ngoại trừ các đợt suy thoái năm 2009 và 2020. WB cũng cảnh báo thêm một kịch bản khác là khi căng thẳng tài chính lan rộng trên toàn cầu ở mức độ lớn hơn, nền kinh tế thế giới có thể sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2024.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, WB đã giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 xuống còn 2,4%, từ mức 2,7% đưa ra hồi tháng 1, giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Mỹ xuống mức 0,8%, Trung Quốc xuống còn 4,6% và dự báo tăng trưởng của Eurozone cũng giảm nhẹ.
WB cũng dự báo lạm phát sẽ giảm dần khi tăng trưởng giảm tốc cũng như nhu cầu lao động ở nhiều nền kinh tế suy giảm, song lạm phát cơ bản dự kiến vẫn sẽ cao hơn so với mục tiêu của ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia trong năm 2024. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine vẫn nghiêm trọng và chưa có hồi kết cùng các bất ổn khác của các nền kinh tế lớn cũng vẫn đe dọa cản bước tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo TTXVN