Liên hoan Làng biển Việt Nam tại Ninh Thuận

Trong kế hoạch của Năm du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức 2 sự kiện gồm Liên hoan Làng biển Việt Nam và Lễ hội Chăm – Katê 2011.

(NTO) Liên hoan làng biển là một sự kiện nhằm khẳng định thương hiệu du lịch biển Việt Nam nói chung và du lịch biển Ninh Thuận nói riêng. Đây là một sự kiện không chỉ thúc đẩy quá trình phát triển du lịch biển, mà còn là dịp tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việt Nam có diện tích mặt biển gấp 3 lần diện tích đất liền với 3.260 km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp. Trong đó, 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển. Dọc bờ biển nước ta có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, có hàng trăm vũng, vịnh nước sâu, kín gió có thể xây dựng cảng, nhất là những cảng trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế cao với tư cách là các khu hậu cần cho khai thác biển xa. Đây chính là nhân tố chủ lực sẽ làm nên sức mạnh kinh tế của quốc gia trong tương lai.



Hội đua ghe được tổ chức hàng năm tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên

Tỉnh ta có bờ biển dài trên 105 km, những dãy núi cao đâm ra biển tạo nên những vũng, vịnh với cát trắng, nắng vàng, biển xanh đẹp nổi tiếng xưa nay như Ninh Chử, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương, Bãi Thùng, Bãi Chà Là v.v... Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là 1 trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và là 1 trong 9 vùng sinh quyển của thế giới. Với vẻ đẹp hoang sơ, bờ biển Ninh Thuận như một nàng công chúa ngủ quên đang trở mình tỉnh giấc.

Liên hoan Làng biển Việt Nam hướng tới mục đích quảng bá du lịch các tỉnh Nam Trung bộ, quảng bá thương hiệu Du lịch Ninh Thuận, trong đó khẳng định tiềm năng du lịch biển, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; giới thiệu thế mạnh của tỉnh nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận; Liên hoan Làng biển Việt Nam là dịp để tôn vinh các lễ hội dân gian, văn nghệ dân gian của cư dân ven biển như lễ hội nghinh ông, hát múa bả trạo, múa náp, múa siêu, hò biển, các môn thể thao biển như đua ghe, chèo thúng v.v...vừa khơi dậy tiềm năng của văn hóa du lịch biển vừa là dịp đánh giá việc bảo tồn bản sắc văn hóa cư dân ven biển Việt Nam nói chung, của cư dân ven biển Nam Trung Bộ nói riêng; Các hoạt động được tổ chức tại Liên hoan Làng biển Việt Nam tại Ninh Thuận 2011 góp phần đẩy mạnh sự đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch của cư dân ven biển; Ngoài ra, Liên hoan Làng biển Việt Nam còn nhắm đến mục đích cao hơn là tuyên truyền biển đảo, tuyên truyền nhận thức về an ninh quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa;

Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Liên hoan làng biển sẽ diễn ra từ ngày 01 đến 04 tháng 8 năm 2011. Dự kiến có 10 tỉnh, thành có bờ biển trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh tham gia. Ngoài ra, Ban tổ chức mời thêm Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Hải quân vùng 4 và Đoàn đặc công biển tham gia. Đầu tháng 7 sẽ tổ chức họp báo tại Tp. Hồ Chí Minh và tại Ninh Thuận. Lễ khai mạc sẽ được tiến hành vào lúc 20g00 ngày 2-8-2011 tại sân khấu Quảng trường 16 Tháng 4. Chương trình nghệ thuật khai mạc do Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và các đoàn nghệ thuật của tỉnh Ninh Thuận biểu diễn với nội dung về văn hóa biển Việt Nam và truyền hình trực tiếp trên VTV.

Những hoạt động chính trong những ngày diễn ra liên hoan bao gồm:

Liên hoan văn nghệ dân gian làng biển. Các tỉnh tham gia sẽ giới thiệu 1 lễ hội hoặc nghi thức dân gian làng biển (sân khấu hóa hoặc trích đoạn) như: lễ nghinh ông, thờ cúng cá voi, tục thờ thành hoàng, cúng đình làng biển và các lễ hội dân gian khác (tùy theo đặc điểm lễ hội từng vùng ven biển của các địa phương), khuyến khích các nghi thức cổ, giới thiệu các tư liệu cổ của cư dân biển, đảo xa xưa mới sưu tầm, nghiên cứu được;Tổ chức thi hát bao gồm các hình thức, thể loại hát dân gian của cư dân biển, đảo, như: hò biển, hát múa bả trạo, múa náp, múa siêu; khuyến khích các bài dân ca, dân nhạc, dân vũ mới sưu tầm được;

Thi đấu các môn thể thao biển gồm các môn như : chèo thúng (nam - nữ ; Thi tiếp sức (bơi, lắc thúng, vận động trên cát); Ngoài ra còn có các hoạt động khác hưởng ứng Liên hoan như giải đua thuyền rồng, lướt ván dù.

Giao lưu văn hóa ẩm thực dân gian làng biển: Giới thiệu các món ăn đặc sản miền biển, làng chài; trình diễn nghệ thuật chế biến, nấu ăn, trưng bày.

Triển lãm ảnh với nội dung: “Nét đẹp văn hóa biển Việt Nam” giới thiệu các địa danh, danh lam thắng cảnh về biển, bờ biển Việt Nam, các khu du lịch ven biển; phản ánh các nét sinh hoạt, lao động sản xuất gắn với nghề nuôi trồng, đánh bắt, đi biển và những thành tựu đạt được trong sản xuất, đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh và trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ven biển của các địa phương. Trưng bày, giới thiệu các tư liệu, thư tịch, sắc phong liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Trưng bày, giới thiệu các dự án du lịch ven biển; Hội chợ thủy, hải sản, trưng bày, giới thiệu các công cụ lao động, sản phẩm làng nghề, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác về nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến giữa các địa phương, các doanh nghiệp.