Các ngân hàng toàn cầu siết chặt quản lý sau khủng hoảng

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa ra thông báo cho biết thống đốc ngân hàng trung ương các nước đã đạt được nhất trí về các biện pháp nhằm giảm bớt "rủi ro tâm lý" xuất phát từ các ngân hàng lớn, những thể chế mà thất bại của họ sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Thông báo cho biết các đề xuất, do Nhóm các Thống đốc và Phụ trách Giám sát (GHOS), cơ quan quản lý của Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) soạn thảo, liên quan tới những ngân hàng được cho là có vai trò mang tính hệ thống trên toàn cầu, bao gồm phương pháp đánh giá vai trò hệ thống, tỷ lệ vốn bắt buộc bổ sung và những bước đi mà mức vốn này từng bước được đưa vào. Trong đó, phương pháp đánh giá được đưa ra dựa trên 5 hạng mục thông số, gồm quy mô, mức độ liên kết, mức độ ít khả năng thay thế, các hoạt động trên toàn cầu và mức độ phức tạp. Hiện GHOS đang đệ trình văn bản tư vấn lên Cục Ổn định Tài chính (FSB), cơ quan điều phối các biện pháp chung, nhằm đưa gói giải pháp này ra tham vấn vào khoảng cuối tháng 7/2011, sau đó từng bước đưa vào áp dụng trong 3 năm từ ngày 1/1/2016, vận hành song song với các quy định quốc tế Basel III, nhằm bảo vệ các ngân hàng trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Các biện pháp nói trên được đưa ra nhằm tăng cường khả năng phục hồi và bao gồm việc gia tăng yêu cầu về khả năng hấp thu thiệt hại của các thể chế này. Ngoài ra, ý tưởng này còn nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các ngân hàng giảm dần vai trò mang tính hệ thống. Theo thông báo của BIS, yêu cầu về gia tăng khả năng hấp thu thiệt hại là nhằm đáp ứng quy định vốn cấp 1 từ 1-2,5%, tùy thuộc vào vai trò hệ thống của một ngân hàng. Do đó, nhằm không khuyến khích các ngân hàng gia tăng vai trò hệ thống trên toàn cầu trong tương lai, yêu cầu tăng vốn cấp 1 thêm 1% sẽ được áp dụng trong những trường hợp như vậy.

Ông Jean-Claude Trichet, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng thời là Chủ tịch GHOS, nhận xét các quy định mới sẽ giúp đối phó với những tác động xấu từ bên ngoài cũng như những rủi ro tâm lý xuất phát từ những ngân hàng có vai trò hệ thống trên toàn cầu. Trong khi đó, Nout Wellink, Chủ tịch BCBS và là Thống đốc ngân hàng trung ương Đức, cho biết thêm điều này còn góp phần tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn bị châm ngòi từ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ hồi tháng 9/2008, đã buộc nhiều nền kinh tế lớn phải tung ra các gói cứu trợ cho các ngân hàng thương mại nhằm tránh không để cho các ngân hàng lớn nhất bị sụp đổ, kéo theo toàn bộ nền kinh tế. Kể từ đó, các nhà quản lý đã bắt tay vào việc siết chặt các quy định về vốn, với việc đưa ra các quy định Basel III, mặc dù một số ngân hàng đã lên tiếng phản đối, cho rằng điều này sẽ rất tốn kém và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Quy định Basel III yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ lên 7% tổng giá trị tài sản, từ mức 2% hiện nay, nhưng một số nước, trong đó có Thụy Sĩ, đã áp dụng các biện pháp kiểm soát thậm chí còn khắt khe hơn. Mới đây, Anh cũng thông báo sẽ tiến hành một cuộc cải tổ lớn hệ thống ngân hàng trong nước, với việc thông qua sự tách bạch các hoạt động bán lẻ với hoạt động đầu tư của các ngân hàng. Việc các ngân hàng sử dụng tiền từ hoạt động bán lẻ cho hoạt động đầu tư vốn bị nhiều người cho là nhân tố chính đứng đằng sau gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu thời gian vừa qua.

(Theo AFP)