Phòng bệnh tay - chân - miệng

(NTO) Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 16 ca mắc bệnh tay – chân – miệng, tăng 5 ca so với cùng kỳ. Hiện nay đang vào mùa nắng nóng là mùa cao điểm của dịch thì khả năng số ca mắc có thể tăng cao. Viện Pasteur Tp.Hồ Chí Minh khuyến cáo: Nguyên nhân gây bệnh tay – chân – miệng hiện nay chiếm đa số là do Enterovirut 71 có độc lực cao, gây nhiều biến chứng và dễ dẫn đến tử vong cho người bệnh.

Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm, có khả năng gây thành dịch, tác nhân gây bệnh là nhóm Coxsackievirus A và Enterovirus 71. Bệnh xảy ra rải rác quanh năm, tăng mạnh ở 2 đợt từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12.

Bệnh xảy ra thường ở trẻ dưới 10 tuổi, nhiều hơn là trẻ dưới 5 tuổi và đỉnh cao là trẻ từ 1- 2 tuổi, với biểu hiện lâm sàng như: Sốt trên 37,5o C, loét miệng, nốt phỏng ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối, có đường kính khoảng 2-10 mm, khi lành không để lại sẹo, không đau, không ngứa. Bệnh khiến trẻ đau miệng nên chán ăn hoặc bỏ ăn, quấy khóc, khó ngủ, hay giật mình.

Biến chứng của bệnh thường gặp nhất là viêm não, viêm màng não, phù phổi cấp, suy tim. Do đó nếu trong quá trình điều trị thấy bệnh nhân sốt liên tục, khó thở, thở nhanh, ngủ gà, run giật cơ, lơ mơ, thường giật mình thì nên chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Nguồn bệnh là người bệnh, người lành mang vi-rút trong các dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ nốt phỏng hoặc phân của bệnh nhân. Thời gian lây truyền bệnh từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi hết loét miệng và các nốt phỏng. Thời gian dễ lây nhất trong tuần đầu của bệnh.

Vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh tay- chân-miệng mà biến chứng thì rất trầm trọng và nguy hiểm, không có dấu hiệu tiên lượng trước nên chủ yếu phòng bệnh là chính. Theo cách sau:

- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn; trước khi ăn; trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi tiêu làm vệ sinh cho trẻ.

- Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và nên ăn chín, uống sôi.

- Thường xuyên xúc miệng bằng nước sát trùng, nước pha muối.

- Vệ sinh môi trường: Trẻ phải đi cầu trong nhà tiêu hoặc trong bô rồi đổ phân vào nhà tiêu và dội sạch không để vương vải ra ngoài vì đây là mầm lây bệnh.

- Gia đình và các Nhà trẻ, lớp mẫu giáo thường xuyên vệ sinh những vị trí hay tiếp xúc như tay nắm cửa, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường như xà phòng, nước Javel, dung dịch Chloramine 5%;… mở cửa sổ cho thông thoáng.

* Nếu trẻ mắc bệnh:

- Đối với nhà trường: cần theo dõi các em nếu phát hiện em có dấu hiệu như sốt và có biểu hiện bóng nước ở miệng hoặc tay, chân thì báo ngay cho gia đình và cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời và được cơ quan y tế hướng dẫn xử lý phòng lây cho trẻ khác.

- Nếu trẻ không đi học: gia đình hạn chế tiếp xúc với trẻ xung quanh nhà, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị, cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

- Lau sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác của bệnh nhân bằng Cloramin B 2%. Ly, chén, đũa, muỗng của bệnh nhân nên dùng riêng và ngâm, tráng bằng nước sôi trước và sau khi sử dụng.

- Người chăm sóc trẻ bệnh: cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, sau khi khi thay tả, đổ bô cho trẻ.