TRƯỜNG SA HÔM NAY

Tình người, tình đất Trường Sa

(NTO) Trường Sa, tiếng gọi thiêng liêng mãi âm vang trong tâm tưởng của những con người từng gắn bó đời mình với mảnh đất này. Còn riêng tôi, lần đầu đặt chân lên Trường Sa mà như thể được trở về với quê nhà vậy! Bởi những gì hiện hữu xung quanh tôi, rất đỗi gần gũi, thân thương. Một góc vườn, một giậu thưa, một mái chùa cong cong thơm mùi trầm, một tiếng gà gọi ban mai…Mọi thứ tạo cho ta cảm giác quê nhà quen thuộc, sưởi ấm lòng những người canh giữ biển trời nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Tạo dáng quê nhà

Một góc đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.

Xin được bắt đầu bằng hàng giậu của nhà cụm 2, đảo Nam Yết. Khi phong trào “Xanh – sạch – đẹp” được phát động trong toàn quân, chiến sĩ đảo Nam Yết cũng hăng hái tham gia. Nào là phát quang, thu gom, quy hoạch cây xanh dọc đường đi lối lại. Nào là trồng hoa, cây kiểng, làm non bộ…Tất thảy tạo cho bộ mặt đảo khang trang, đẹp đẽ hẳn lên. Sau khi chung tay làm thay đổi diện mạo trên toàn đảo, cán bộ, chiến sĩ cụm 2 mới nhìn thấy hàng cây mủ (tên một loài cây trên đảo) tua tủa trước nhà. Anh em bàn nhau “phương án” sửa sang. Phân đội trưởng phân đội 1, cụm 2 – Trung úy chuyên nghiệp Bùi Trọng Tạo kể rằng: Một chàng tân binh xung phong trước tập thể. Cậu ấy nói rằng: “Để đó em tỉa lại thành bờ giậu trước nhà cho nó giống “nhà em”. Em biết, cây này cũng như dâm bụt, mỗi tội không có hoa. Làm hàng rào chắn gió và bụi “ngon” lắm đấy”! Nghe khá hấp dẫn nên mọi người ủng hộ và cùng nhau thực hiện”. Ý tưởng ngày ấy của chàng tân binh đã rời quân ngũ nay là những hàng giậu nối đuôi nhau thẳng tắp, xanh ngắt một màu. Thỉnh thoảng, chiến sĩ trong cụm thay nhau tỉa tót như thể giữ lấy nét đẹp của làng quê Việt.

Chị Nguyễn Thị Chí, xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa chăm sóc vườn rau.

Là người có thâm niên ở đảo, Thượng úy Thái Đàm Hồng đã có dịp công tác nhiều nơi trên quần đảo Trường Sa. Dù đảo chìm hay đảo nổi, anh đều gắn bó và có những kỷ niệm đáng nhớ. Năm 2003, anh nhận nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn. Lúc bấy giờ, điều kiện sống hãy còn nhiều khó khăn, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, yêu cầu tiết kiệm tất cả những gì có thể làm cho thứ gì trên đảo cũng trở nên quý giá. Vì đợi mãi 3-6 tháng mới có một chuyến tàu từ đất liền cung ứng lương thực- thực phẩm, nước ngọt và cả thư nhà. Một lần nọ, cùng vài đồng chí đang loay hoay nấu cơm, anh Hồng “sơ ý” để đàn gà đến ăn mớ rau đang nhặt dở. Con gà mẹ tranh thủ “tha lấy tha để” cọng rau muống cho đàn con, anh em nhìn thấy nhưng không nỡ xua tay. Chờ cả đàn bỏ đi, mọi người mới nhặt nhạnh số rau còn sót lại đem nấu canh. Từ đó, vật nuôi trên đảo được bộ đội chăm sóc như “người nhà”. Mỗi sáng thức dậy cùng tiếng “ò…ó…o” của mấy chú trống choai choai, ai nấy thấy lòng rạo rực như đang ở quê nhà. Thượng úy Vũ Văn Huy – Trợ lý xe tăng ở đảo Sinh Tồn cũng có những cảm xúc tương tự. Anh Huy kể lại: “Lúc đó, điện tiêu thụ theo định mức nên việc ấp trứng gà khá nan giải. Có lần, tôi ngồi canh lũ gà con mổ vỏ chào đời mà sốt ruột không chịu được nên tự tay “lôi” mấy chú ấy ra. Đàn vịt, đàn gà cứ thế lớn lên rồi đi theo chúng tôi như “mẹ” vậy. Nói là “mẹ” có hơi quá một chút nhưng đó là sự thật đấy!”. Thế mới biết, các anh lấy việc chăm sóc cây con, làm niềm vui để vơi đi nỗi nhớ đất liền. Tình cảm gắn bó giữa lính đảo và những “người bạn nhỏ” (vật nuôi trên đảo) cũng vì thế mà trở nên khăng khít. Trung úy Trương Công Thịnh – Trợ lý công binh của đảo nghe nói đến chuyện đàn gà mà tiếc: “Mấy chục con ngan mình đem ra đảo, vì không chịu được cảnh đi tàu nên chết hết. Nếu không đàn gia cầm nhà Trợ lý đã “đông vui” hơn”.

Tâm linh ngôi chùa Việt

Giữa nhịp sống rộn ràng của huyện đảo Trường Sa đang từng ngày “thay da đổi thịt”, một không gian tĩnh lặng, linh thiêng bao trùm trong đó sự bình yên – nơi tọa lạc những ngôi chùa khang trang, bề thế. Vẻ đẹp xuất phát từ kiến trúc cổ kính, tinh xảo làm tôn lên lòng thành kính tưởng niệm các bậc tổ tiên, anh hùng, liệt sĩ đời đời. Chốn linh thiêng ấy làm ấm lòng người đã khuất và truyền thêm niềm tin cho những người đang sống.

Những ngôi chùa ở Trường Sa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Mái chùa cong cong, một gian hai chái. Chùa được làm bằng các loại gỗ quý mà người xưa dùng đóng thuyền vượt biển. Những pho tượng được chế tác công phu. Đặc biệt ngôi chùa nào chánh điện cũng hướng về Thủ đô Hà Nội, như tấm lòng người Việt từ bao đời nay. Ai cũng có cảm giác trong lòng tĩnh lặng, ấm áp như đứng trên đất liền, nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Một trong những điều làm mọi người đến đây đều tỏ lòng ngưỡng mộ là việc các bức hoành phi, câu đối đều được chạm trổ bằng quốc ngữ: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ” (câu đối ở chùa Sinh Tồn). Còn chùa Song Tử Tây, ngôi chùa bề thế nhất trong ba ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa lại có câu đối: “Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển đông ngời thắng cảnh”. Những câu đối ngắn gọn, súc tích, vừa nói lên sức cảm hóa to lớn, vừa khẳng định chủ quyền dân tộc đã có tự ngàn xưa.

Người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Sự tĩnh lặng, thâm nghiêm của ngôi chùa là nét đẹp của bản sắc văn hóa Việt. Những ngôi chùa ở Trường Sa nay đã thổi hồn cho vùng đất thiêng liêng này. Bộ mặt dân sinh trên huyện đảo cũng đã thay đổi hẳn. Dịp hội rằm, bà con phấn khởi đến viếng, cầu phước lành cho gia đình, họ tộc. Đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân đảo được đáp ứng không thua kém đất liền. Ngư dân Trường Sa trước mỗi chuyến đi biển lại lên chùa thắp hương lễ Phật, cầu cho “thuận buồm xuôi gió” và người người có cuộc sống hạnh phúc, ấm no.