Liên Hợp Quốc: Đầu tư xã hội là ưu tiên trong các chương trình phục hồi kinh tế

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, một báo cáo mới của LHQ cho biết nhiều chính phủ chưa chú ý đúng mức tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây đối với xã hội, do đó kêu gọi chính phủ các nước coi đầu tư xã hội là một ưu tiên trong các chương trình khôi phục kinh tế.

Báo cáo tiêu đề "Tình hình xã hội thế giới năm 2011: Cuộc khủng hoảng xã hội toàn cầu", do Ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ (DESA) công bố ngày 22-6, đánh giá đầy đủ những hậu quả xã hội bất lợi hiện nay của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008-2009 - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái trong những năm 30 của thế kỷ trước. Báo cáo chỉ rõ một trong những hậu quả mà cuộc khủng hoảng gây nên là tỷ lệ người thất nghiệp trên toàn cầu tăng từ 178 triệu người năm 2007 lên 205 triệu người năm 2009.

Mất việc làm không chỉ đồng nghĩa với mất các khoản thu nhập mà còn làm tăng nguy cơ mất ổn định xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển không có chế độ an sinh xã hội toàn diện. Do cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng mạnh, có 47 đến 84 triệu người trên thế giới bị rơi vào mức nghèo hoặc không thể thoát nghèo. Riêng năm 2009, số người bị đói trên toàn cầu tăng hơn một tỷ người - mức cao kỷ lục.

Báo cáo khẳng định sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu đã gây nhiều hậu quả xã hội tiêu cực cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng cũng như xã hội và tác động của nó đối với tiến bộ xã hội trên các lĩnh vực như giáo dục và y tế sẽ rõ ràng hơn trong những năm tới.

Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về Phát triển Kinh tế, ông Giô-mô Qua-mê Xăn-đa-ram (Jomo Kwame Sundaram), nói: "Hiện nay, nhận thức mới là các chính phủ cần coi trọng hơn việc xem xét chính sách xã hội trong chính sách kinh tế. Không kết nối các chính sách kinh tế và hậu quả xã hội của các chính sách kinh tế đó có thể tạo nên chu kỳ tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội chậm". Ông cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế nhắc nhở thế giới rằng điều quan trọng đối với con người là sức khỏe, được giáo dục, có nhà ở thích hợp và được nuôi dưỡng tốt để có thể đóng góp cho xã hội.

(Theo TTXVN)