Phát huy sức mạnh quần chúng trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới

(NTO) Hiện nay, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở một số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, công an là lực lượng chính chịu trách nhiệm thực hiện tiêu chí thứ 19 của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM): giữ vững ANTT - xã hội nông thôn. Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, Giám đốc Công an tỉnh xung quanh chức năng, nhiệm vụ này.

- Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết diễn biến tình hình ANTT nông thôn thời gian qua? Những bài học kinh nghiệm trong giữ vững ANTT- xã hội nông thôn?

- Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ: Trong những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là an ninh nông thôn; nổi lên là các vụ tranh chấp, khiếu kiện, tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 172 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 107 vụ trộm cắp tài sản, gây thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Nhưng với những nỗ lực, quyết tâm của lực lượng công an đã tham mưu kịp thời với cấp uỷ, chính quyền các cấp về các chủ trương, biện pháp và trực tiếp giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi lên, nên tình hình ANTT xã hội ở nông thôn khá ổn định.

Bài học kinh nghiệm - đó là sức mạnh của quần chúng. “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” nên bảo vệ ANTT, lực lượng công an rất cần sự đồng lòng, đồng sức giúp đỡ của quần chúng nhân dân. Thực tiễn cho thấy, nhờ phát huy được tính tích cực của quần chúng nên hàng năm lực lượng công an tiếp nhận trên 75% nguồn tin tố giác tội phạm do quần chúng cung cấp. Thời gian qua, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai quyết liệt các biện pháp để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các vụ án hình sự. Đặc biệt, trong điều tra khám phá các vụ án là tranh thủ được sự đồng tình, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng công an các cấp đã liên tục mở các đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm, tích cực điều tra làm rõ đối tượng để xử lý theo pháp luật, làm cho quần chúng nhân dân yên tâm, tin tưởng vào lực lượng công an hơn. Có thể khẳng định: Nếu cơ quan bảo vệ pháp luật không kiên quyết đấu tranh với tội phạm, thì sẽ không tạo được chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh với các hành vi phạm pháp, không khơi dậy tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng. Do vậy, bài học kinh nghiệm quí báu nhất trong nhiều bài học về phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT xã hội là phát huy sức mạnh quần chúng.

- Phóng viên: Bảo vệ ANTT địa bàn nông thôn luôn được xác định là mặt trận rất quan trọng, nhất là từ khi đảm nhiệm thực hiện tiêu chí thứ 19, vậy Công an tỉnh đã triển khai vấn đề này như thế nào?

- Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ: ANTT nói chung và địa bàn nông thôn nói riêng là đảm bảo sự bình yên cho nhân dân. Chính vì vậy mà khi được giao nhiệm vụ thực hiện tiêu chí 19 trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt trong toàn lực lượng về nhiệm vụ đảm bảo ANTT; đồng thời ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban và đại diện lãnh đạo các phòng chức năng làm thành viên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tập thể Thường vụ Đảng ủy. Trước mắt, chọn một số xã còn phức tạp về ANTT để làm điểm rút kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng lực lượng công an xã vững mạnh toàn diện, nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn không để xảy ra các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, giữ vững kỷ cương và khối đại đoàn kết toàn dân.

- Phóng viên: Lực lượng Công an xã, Công an viên có vai trò, quyền hạn và được kết nối như thế nào trong việc thực hiện tiêu chí 19 nói trên?

- Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ: Vai trò lực lượng Công an xã, Công an viên được xác định rất quan trọng. Thực tế, các vụ việc liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở mà địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ rất cao, đồng thời tiềm ẩn những yếu tố dễ gây mất ổn định về an ninh chính trị. Nhiều vụ việc xảy ra chỉ vì nguyên nhân rất đơn giản, nhưng do không phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm, để kéo dài dẫn đến diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, lực lượng Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy, UBND cùng cấp về công tác bảo đảm ANTT, an toàn xã hội. Khi có vụ việc xảy ra về ANTT, lực lượng Công an xã đều phải nắm và giải quyết theo thẩm quyền và là lực lượng nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã.

Do đó, vấn đề đặt ra về đảm bảo ANTT nông thôn, chúng tôi nhấn mạnh đến việc phải xây dựng cho được lực lượng chiến lược cơ sở là Công an xã. Lực lượng này phải được củng cố, kiện toàn, được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ; đồng thời Nhà nước phải có chế độ chính sách phù hợp mới đảm đương được những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong tình hình mới.

- Phóng viên: Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh giữ gìn ANTT- xã hội nông thôn, theo đồng chí cần phải làm gì?

- Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ: Sự nghiệp bảo vệ ổn định ANTT ở nông thôn luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, mà trong đó lực lượng công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt. Giữ vững được ANTT thì nông thôn mới vững mạnh, thái bình. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh giữ gìn ANTT nông thôn thời gian tới cần làm tốt công tác tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; tiếp tục xây dựng, củng cố các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ ở địa bàn dân cư, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng NTM.

- Phóng viên: Cám ơn Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ.