Bàn về tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại

Những câu hỏi thế nào là báo chí chuyên nghiệp, vì sao báo chí nước ta lại thiếu tính chuyên nghiệp, muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí nước nhà thì phải làm gì… là những vấn đề thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà báo, các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, cơ sở đào tạo báo chí, mà còn của cả công luận.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại - những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và tuyên truyền tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội đã phần nào giúp những người “làm nghề” và công chúng hiểu rõ hơn về tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại.

Quan niệm về tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại

Theo PGS, TS Trương Ngọc Nam, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại trước hết phải được thể hiện ở năng lực của nhà báo, ở khả năng sử dụng các phương pháp, phương tiện, hình thức... có tính đặc thù của báo chí để phản ánh và tác động đến đời sống xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nói cách khác, tính chuyên nghiệp của báo chí thể hiện ở phương thức chuyên biệt của nhà báo trong việc tác động đến các đối tượng độc giả, thính giả một cách thuyết phục và có hiệu quả xã hội cao.

Đề cập đến tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà báo, nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương cho rằng: Người làm báo chuyên nghiệp Việt Nam cần coi trọng nêu cao tính trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Do đó, rèn luyện tính chuyên nghiệp của người làm báo Việt Nam trước hết là phải rèn luyện tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân, phải hiểu luật và quy chế nghề nghiệp để thực hiện cho đúng khi hành nghề và phải xem xét hiệu quả khi công bố tác phẩm báo chí.

 Lòng say mê nghề nghiệp là một trong những yếu tố
tạo nên tính chuyên nghiệp của người làm báo

Bên cạnh đó, người làm nghề chuyên nghiệp cần phải say mê nghề nghiệp và hết lòng vì nghề nghiệp. Nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh: những nhà báo chuyên nghiệp đáng kính trọng không bao giờ né tránh khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm vì sự nghiệp cao cả là hướng tới sự thật để thông tin tới mọi người và vì lẽ đấu tranh chọn quyền làm chủ của nhân dân và công bằng của cuộc sống.

Đồng quan điểm với nhà báo Hữu Thọ, PGS, TS. Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ công chúng & Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Nhà báo chuyên nghiệp, hiện đại phải có lòng say mê nghề nghiệp, cần làm việc nhiều hơn người khác mong đợi, có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, nhà báo cũng phải đặt mục tiêu phục vụ dân tộc và nhân dân, vì lợi ích của công chúng...

Trong thực tiễn hoạt động tại các cơ quan báo chí, tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại được thể hiện một cách đa dạng và phong phú. Nhà báo Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho biết: Tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên; xây dựng kế hoạch sản xuất và phát sóng; xây dựng dự toán kinh phí hàng năm và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động.

Liên quan đến vấn đề tính chuyên nghiệp của biên tập viên báo hình, nhà báo Văn Công Toàn, Giám đốc VTV Huế cho rằng: Tính chuyên nghiệp của biên tập viên báo hình hiện đại cần phải có chuyên môn nghiệp vụ; có hiểu biết và nắm bắt về kĩ thuật và các thiết bị truyền hình; có ngoại hình và chất giọng tốt để xuất hiện làm người dẫn chương trình, phỏng vấn trực tiếp tại hiện trường... Tuy nhiên, thực tế đội ngũ biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam cũng như những đài truyền hình trong cả nước vẫn cần phải đào tạo lại để nâng cao tính chuyên nghiệp của biên tập viên truyền hình hiện đại bởi có những đội ngũ biên tập viên chưa hề qua trường lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ truyền hình.

Làm thế nào để nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí?

Có thể nói rằng, tính chuyên nghiệp của báo chí là nhu cầu bức thiết và là vấn đề lớn của báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà báo là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Phó Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Để nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí, các cơ sở đào tạo cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề giáo dục lý tưởng hành nghề và ý thức tự giác về nghề cho sinh viên. Lý tưởng hành nghề và ý thức tự giác về nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở thông điệp chính trị mà là bắt nguồn từ việc trang bị những kiến thức nền tảng về nghề. Bên cạnh đó, cần thiết tổ chức, sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí theo hướng chú trọng, hiệu quả hoạt động thay vì theo kiểu mặt trận cơ cấu. Mặt khác tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo cho báo chí hoạt động như một binh chủng xung kích trên mặt trận thông tin và công tác tư tưởng. Một trong những vấn đề cơ bản then chốt và chủ yếu nhất của báo chí trong cơ chế thị trường là giải quyết tốt mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị xã hội. Đồng thời, báo chí cần nâng cao chất lượng thông tin và đảm bảo quyền được thông tin của nhân dân. Ngoài ra, sự tự học, tự rèn luyện nghiêm túc, cần mẫn, cầu thị trên cơ sở nền tảng kiến thức ban đầu của mỗi nhà báo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi dưỡng, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động báo chí.

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định việc nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí trước hết phải là nâng cao tính chuyên nghiệp của phóng viên và điều đó quan hệ biện chứng với cách quản lý, điều hành tổ chức thực hiện của cơ quan báo chí. Ông cũng thẳng thắn khi cho rằng, để bảo đảm tính chuyên nghiệp của nhà báo và cơ quan báo chí, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề từ tự chủ kinh tế cho báo bằng các nguồn thu quảng cáo chính đáng, hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động.

Tính chuyên nghiệp đóng vai trò nền tảng để báo chí phát triển bền vững, vì thế nâng cao tính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ các nhà báo có tâm, có tầm, đảm đương được nhiệm vụ chính trị của đất nước đang là yêu cầu bức thiết đối với tất cả các cơ quan báo chí. PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, vấn đề đầu tiên, quan trọng và cũng là muôn thuở của báo chí để nâng cao tính chuyên nghiệp là mỗi tờ báo, tạp chí cần xác định rõ độc giả của mình là ai, họ mong muốn gì, hy vọng gì và chờ đợi điều gì từ tờ báo, tạp chí của mình, để “sắm đúng vai”, làm tròn nhiệm vụ của bản báo, và để những độc giả chính trở thành bạn đọc trung thành của mình. Mỗi tờ báo cũng cần xây dựng chuẩn mực hoạt động của toà soạn, quy định đạo đức hướng dẫn cho các phóng viên, biên tập viên của mình trong các hoạt động nghề nghiệp, trong đó quy định những yêu cầu cần có đối với phóng viên, biên tập viên của toà soạn; những việc phóng viên, biên tập viên cần làm và những việc không được làm trong quá trình tác nghiệp; những yêu cầu đối với biên tập viên, phóng viên trong việc bảo vệ uy tín, “thương hiệu” của tờ báo, tạp chí; những yêu cầu cụ thể đối với các mục cần kiểm tra trong tin, bài trước khi xuất bản…

Cũng theo PGS, TS Vũ Văn Phúc, cơ quan báo chí cần nhận thức rõ tầm quan trọng, sự cần thiết phải đánh giá đúng phản ứng, mức độ hài lòng của độc giả, đặc biệt là đối tượng độc giả chính đối với những thông tin do bản báo cung cấp để xác định hiệu quả tuyên truyền, tác động của bản báo đến bạn đọc. Đồng thời cũng phải xây dựng đội ngũ nhà báo có phẩm chất đạo đức, có năng lực, yêu nghề, đáp ứng yêu cầu của toà soạn.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam