Dấu ấn thanh niên Trường Sa

Như để quên đi nỗi vất vả trên thao trường cùng nỗi nhớ đất liền da diết, các chiến sĩ Trường Sa luôn hăng say học tập và rèn luyện, đẩy mạnh hoạt động thanh niên nhằm tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh trong toàn đơn vị.

Trường Sa – “núm ruột” thân thương của đất Mẹ Việt Nam không phút nào ngừng phát triển. "Từ thuở cha ông đi mở cõi" đến hôm nay con cháu đời đời vun đắp dựng xây, Trường Sa đang đổi thay và phát triển từng ngày. Khi những người con nơi tiền tiêu của Tổ quốc ngày đêm đối mặt với sóng dữ, vượt qua bao thử thách, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thì tình cảm và sự quan tâm của đất liền đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho quân và dân Trường Sa.

Báo Ninh Thuận xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Trường Sa hôm nay” của phóng viên Diễm My ghi lại những đổi thay của huyện  đảo Trường Sa nhân chuyến tháp tùng cùng đoàn công tác Vùng IV Hải quân ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa vào tháng 1-2011.

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đoàn viên chiến sĩ tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao. Với tinh thần tự giác, ý thức kỷ luật cao, bộ đội Trường Sa đã xây dựng và duy trì nhiều phong trào thanh niên thiết thực.

Giáo dục tư tưởng, nâng cao đời sống tinh thần

Các chiến sĩ sinh hoạt văn nghệ sau những giờ luyện tập “sẵn sàng chiến đấu”.

Để khơi dậy lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lãnh đạo, chỉ huy đảo luôn coi trọng công tác giáo dục, định hướng tư tưởng cho đoàn viên thanh niên. Bằng nhiều hình thức và biện pháp cụ thể, đơn vị đã xây dựng được bản lĩnh chính trị vững vàng, bồi dưỡng ý chí, niềm tin, sức phấn đấu trong toàn lực lượng, nhất là các chiến sĩ trẻ. Trong quá trình giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống kỷ luật, các đơn vị đảo còn đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ. Đại úy Vũ Văn Hưng, Bí thư Liên chi đoàn đảo Sinh Tồn cho biết: “Xác định nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội cũng là nhiệm vụ quan trọng nên chỉ huy đảo luôn chỉ đạo toàn đơn vị đẩy mạnh các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể lực thể tài. Từ đó, kết hợp giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, đảo Nam Yết cũng xây dựng và duy trì tốt phong trào thanh niên trong đơn vị. Đoàn viên chiến sĩ bên cạnh việc tham gia các đợt sinh hoạt, học tập chính trị, còn được tạo điều kiện để các chi đoàn tự tạo sân chơi. Phong trào rèn luyện thể dục – thể thao được xem là thế mạnh của đơn vị. Đây cũng là hoạt động được cấp ủy đảo lồng ghép thành nội dung Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Khi tiếng kẻng báo thức vang lên, đều khắp các cụm, bộ đội tác phong nhanh nhẹn ra sân. Đối với cánh lính, đây là nhiệm vụ, nhưng lâu dần trở thành “món điểm tâm” không thể thiếu để bắt đầu một ngày mới.

Một góc đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa.

Thao trường khắc nghiệt, cây đàn ghi-ta của một vài nhạc công “cây nhà lá vườn” vang lên trong giờ giải lao như lau khô giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán người lính biển đảo xa xôi. Lời ca tiếng hát ngân lên, những giai điệu quen thuộc của bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” làm tôi nhớ mãi: “…Chiến sĩ Trường Sa hát khúc tình ca về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ/Đem chí trai giữ lấy chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”. Nắm bắt tâm lý tuổi trẻ yêu thích ca hát, buổi sinh hoạt ka-ra-ô-kê như một sân chơi thú vị, tạo không khí tươi vui, sôi động tại các phân đội, các cụm đảo. Tần ngần nhớ lại những ngày tháng tân binh trên đảo Nam Yết, binh nhất Bùi Nhật Minh (phân đội 1, cụm 2) bộc bạch: “Giờ giấc huấn luyện, học tập nghiêm túc, kỷ luật, không kể nắng, mưa. Nhưng hết thao trường, chiến sĩ lại được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ vui tươi, thoải mái. Giờ đây, khi đã xác định “đảo là nhà”, ai cũng thấy phấn khởi và có thêm niềm tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Dấu ấn Thanh niên

Chi đoàn đảo Sơn Ca là chi đoàn đi đầu trong phong trào Thanh niên trên quần đảo Trường Sa. Để hoạt động có hiệu quả, Chi đoàn luôn xây dựng hoạt động theo chủ đề, chủ điểm trọng tâm của tháng. Đơn vị đã phát động các đợt học tập, sáng tạo trong chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao. Hưởng ứng các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm, Chi đoàn phát động làm báo tường, xây dựng nhiều công trình mang đậm dấu ấn thanh niên…

Chẳng hiểu sao bộ đội Trường Sa lại “có khiếu” làm báo tường đến thế! Những vần thơ mượt mà gửi tâm tình lính biển đến đất liền bằng cả nỗi nhớ thương “người hậu phương”. Ca từ đậm chất lãng mạn của lính đảo dường như chiếm trọn cảm tình của độc giả chúng tôi: “Anh gửi cho em trưa hè nắng cháy/Cơn mưa vô tình làm chậm bước hành quân/Trang thư xanh trên thao trường viết vội/Gửi cho em theo gió mùa xuân/Mở thư xem em đừng cười bối rối/Trách anh hoài sao để chậm thư em” (Thiếu úy Đậu Văn Kiên, đảo Đá Nam).

Tạm xa đảo chìm, chúng tôi đến thăm những công trình Thanh niên trên đảo cấp II Sinh Tồn. Hưởng ứng năm Thanh niên 2011, Chi đoàn đảo Sinh Tồn đã xây dựng một chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Phong trào “Xanh – sạch – đẹp” thu hút 100% cán bộ, đoàn viên tham gia trồng cây xanh, lao động, tu sửa, san bằng vị trí lô-cốt cũ. Đảo đã thực hiện xóa nhà tạm, bếp tạm, khu tăng gia nhỏ lẻ, xây dựng 2 khu nhà mới, mở rộng nhà ăn bộ đội, xây mới nhà vệ sinh. Các công trình thanh niên như Vườn rau thanh niên, Bể nước thanh niên, Bảng tin thanh niên được bảo quản, duy trì. Những ngày Lao động Cộng sản luôn thu hút đông đảo đoàn viên chiến sĩ trẻ tham gia. Công việc chẳng đáng kể so với nhiệm vụ huấn luyện nên ai cũng hăng hái như ngày hội.

Ấn tượng đối với những ai lần đầu đặt chân lên quần đảo Trường Sa là những công trình xanh. Để tạo nơi sinh hoạt, góc trò chuyện cho lính đảo ngoài giờ huấn luyện, nhiều Chi đoàn ở đảo đã phát kiến xây bàn ghế bằng gạch ngói, xi-măng. Ngoài ra, khẩu hiệu tuyên truyền, pa-nô cổ động cũng được trang trí tươm tất. Khuôn viên xanh này đã ghi dấu sức trẻ, khỏe, nhiệt tình của đoàn viên chiến sĩ Trường Sa. Từ trong phong trào Thanh niên, tình đồng đội nơi đầu sóng thêm bền chặt.

Bài 2: Mái ấm nơi đảo xa