Không còn chuyện của riêng ai!

(NTO) Ngày nay, vấn đề an toàn giao thông không còn là việc của quốc gia này hay quốc gia khác mà đã trở thành việc của toàn cầu. Bởi lẽ, theo thống kê mỗi năm trên thế giới có đến 1,2 triệu người chết và trên 50 triệu ca bị thương tích do các vụ va chạm giao thông đường bộ gây ra. Và theo dự báo con số người chết sẽ tăng lên đến 1,9 triệu người trong tương lai do tai nạn giao thông! Do vậy, tai nạn giao thông đường bộ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nhóm trẻ em và thanh niên trong độ tuổi từ 5-29 tuổi và là nguyên nhân thứ 9 gây tử vong trên toàn cầu.

Đó là về sinh mạng con người còn quy ra về mặt kinh tế, cũng theo thống kê, đối với các nước có thu nhập thấp đến trung bình thì tai nạn giao thông gây thiệt hại trên 65 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, tương đương từ 1% đến 1,5% GDP… Nói gần hơn, đối với nước ta theo tính toán bình quân hàng năm cũng do tai nạn giao thông đường bộ đã làm cho trên 11.000 người chết. Chỉ tính trong năm 2009, theo số liệu của Bộ Y tế, chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ đã đặt ra gánh nặng rất lớn lên toàn xã hội, lấy đi mạng sống của hơn 14.000 người và trên 140.000 ca thương tích phải nhập viện. Còn đối với tỉnh ta thì sao? Theo thống kê, từ năm 2007 đến 2010 trên địa bàn tỉnh, tai tai nạn giao thông đường bộ đã “góp” vào cùng với cả nước 496 người chết, 564 người bị thương. Riêng 10 tháng năm 2010, toàn tỉnh cũng đã có đến 90 người chết, trên 84 người bị thương vì tai nạn giao thông…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn như kết cấu hạ tầng giao thông kém có thể kể ra như tuyến quốc lộ 27A đoạn qua địa bàn huyện Ninh Sơn làm dang dở đầy “cạm bẫy” và nói như nhiều người dân thì đây chẳng khác nào “con đường đau khổ”!... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người tham gia giao thông chạy quá tốc độ hoặc uống rượu, bia quá mức cho phép.

Giảm thiểu tai nạn giao thông là mong muốn lớn nhưng không dễ thực hiện. Yêu cầu đặt ra là cần có các chế tài mạnh tay đối với những đối tượng cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Song song với đó là Nhà nước cần đầu tư đồng bộ, nhanh chóng trong việc sửa chữa, nâng cấp những tuyến quốc lộ, phân luồng tuyến giao thông hợp lý tránh gây ách tắc giao thông… Mặt khác, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân và hướng đến mục tiêu: Cùng chung tay xây dựng một xã hội giao thông an toàn, thân thiện.