KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (05/6/1911 - 05/6/2011)

Một cuộc hành trình, một cuộc cách mạng và một thời đại

Thử nhìn lại 100 năm trước... Ở thời điểm suy tàn của chế độ phong kiến và sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, cả dân tộc chìm trong thương đau, tăm tối. Nhiều cuộc cách mạng nổ ra rồi chìm tắt. Hàng loạt nhà yêu nước, chí sĩ cách mạng bị chém giết, bắt bớ, tù đầy. Những lãnh tụ yêu nước lúc bấy giờ rơi vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc...Trong bối cảnh đó, có một người thanh niên nung nấu lý tưởng cách mạng, quyết chí ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc mình khỏi ách đô hộ ngoại xâm. Người thanh niên đó là Nguyễn Tất Thành.

Tiếp thu tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng giải phóng dân tộc của các bậc tiền bối nhưng anh thanh niên Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường mà các vị tiền bối đã đi... Người tiếp bước các vị tiền bối trên con đường giải phóng dân tộc, nhưng tầm nhìn của Người vượt lên các vị tiền bối.

Người đi khắp Á, Âu, Phi, Mỹ la tinh, đến “những đất tự do, những trời nô lệ”... Người đến nước Pháp và các nước châu Âu, trung tâm của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc lúc bấy giờ để nhận chân “con bạch tuộc” chủ nghĩa thực dân...

Người đến các quốc gia thuộc địa để chứng kiến tình cảnh thân phận của những người dân ở các nước cùng cảnh ngộ bị áp bức bóc lột.

Người nghiên cứu tìm hiểu tinh thần cuộc cách mạng tư sản Pháp, cuộc cách mạng tư sản Mỹ, đến với Lê-nin và cuộc cách mạng tháng Mười Nga. Người tiếp thu tinh thần các cuộc cách mạng tư sản Pháp, tư sản Mỹ để thêm niềm tin hướng tới cuộc cách mạng vô sản. Người sống cuộc sống cần lao và tham gia các tổ chức, phong trào cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người đến với Lê-nin và chủ nghĩa Mác vì nhận ra học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học này soi đường cho các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, trong đó có dân tộc Việt Nam tự vùng lên giải phóng. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê nin để từ đó tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở một đất nước nông nghiệp, thuộc địa, nửa phong kiến ở châu Á.

Từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, đến người cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc và Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là một quá trình nhận thức, hành động đầy trí tuệ, bản lĩnh và sáng tạo. Ba mươi năm bôn ba bốn biển năm châu, sống cuộc sống cần lao, trải nghiệm, mở rộng tầm nhìn, nhập vào dòng chảy cách mạng thế giới, có thể ví đó là giai đoạn tích lũy năng lượng, nguồn sáng trí tuệ của Lãnh tụ tương lai của dân tộc. Để rồi ba mươi sau, sau hành trình trở lại phương Đông, trở về đất nước, Người truyền nguồn năng lượng, ánh sáng trí tuệ ấy cho cả dân tộc, thổi bùng lên thành cuộc cách mạng tháng Tám, dành độc lập dân tộc, đem lại tự do cho nhân dân, chấm dứt trăm năm nô lệ tăm tối.

Từ ý chí của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sáng lên tầm nhìn Nguyễn Ái Quốc. Từ những hoạt động cách mạng không mệt mỏi của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã lung linh trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Từ Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình mang tầm thời đại. Cuộc hành trình ấy đem đến một cuộc cách mạng khởi đầu cho hàng loạt cuộc cách mạng của các quốc gia thuộc địa trên thế giới, mà âm vang của nó còn mãi đến bây giờ.

Và hơn hết, cuộc hành trình ấy để lại một thời đại Hồ Chí Minh, với mốc son dành độc lập dân tộc, thống nhất non sông, đi lên chủ nghĩa xã hội, hội nhập thế giới...

Người làm cuộc hành trình không để tạo ra những kỷ lục, nhưng cái đích của cuộc hành trình dài lâu mà Người hướng tới và đã đạt được, còn hơn cả một kỷ lục. Ánh sáng từ chủ nghĩa Mác- Lê nin mà Người tiếp nhận không chỉ lan tỏa và thành nguồn năng lượng mạnh thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở Việt Nam, giành độc lập dân tộc, tự do cho đồng bào mình, mà có sức lan tỏa, ảnh hưởng trên phạm vi thế giới, đặc biệt là đối với những quốc gia bị thực dân đế quốc xâm lược, thống trị.

Cuộc hành trình của Người cũng không vì sự nổi tiếng, nhưng những gian truân, thử thách, trải nghiệm mà Người gặp phải trên bước đường bôn ba đi tìm chân lý, khiến nhân loại cảm phục và ngưỡng mộ. Quá trình Người đi tìm chân lý, ánh sáng, cũng chính là quá trình Người phát hiện ra dân tộc mình, trong tương lai, ở tầm cao và chiều sâu, đó là bình đẳng với mọi dân tộc, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Cuộc hành trình của Người là từ dân tộc, hướng ra thế giới, hướng ra biển lớn, đến với ánh sáng nhân loại, những điểm hẹn lịch sử, tiếp thu tinh hoa văn minh trí tuệ loài người, lại trở về, sáng danh, rạng rỡ dân tộc.

Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm đầu thế kỷ XX để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho dân tộc ta. Con đường cách mạng, con đường tìm đến chân lý không bao giờ bằng phẳng. Thành quả cách mạng, ánh sáng chân lý không tự dưng đến mà phải qua quá trình đấu tranh, vận động, bằng ý chí, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của cả một dân tộc. Ý chí không cam phận hèn kém, yếu thế không bao giờ ngưng nghỉ trong mỗi người Việt Nam. Mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào, phải có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước, cùng góp phần tạo ra những thời cơ, vận hội mới cho dân tộc.

Tinh thần cuộc hành trình cứu nước một trăm năm trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thêm trí tuệ, ý chí, nghị lực và bản lĩnh của dân tộc ta, trên con đường tới mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.