Kết quả bước đầu thực hiện “nhất thể hóa” cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở xã Phước Thuận

(NTO) Từ tháng 6-2009, xã Phước Thuận (Ninh Phước) đã được Tỉnh ủy chọn và chỉ đạo thí điểm mô hình “nhất thể hóa” chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Đây là chủ trương mới nhằm cụ thể hóa tinh thần của nghị quyết Trung ương 5 và 6 (khóa X). Tính ra thời gian triển khai thực hiện mô hình chưa bao lâu, song theo tìm hiểu của chúng tôi, bước đầu cũng đã có chuyển biến đáng ghi nhận trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền của địa phương trên.

Tại xã Phước Thuận, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Lê Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã về quy trình tiến hành “nhất thể hóa” và trách nhiệm cá nhân khi phải gánh vác cùng lúc 2 “vai”. Đảng bộ xã Phước Thuận có tổng số 139 đảng viên (ĐV) sinh hoạt tại 14 chi bộ, trong đó ngoài 7 chi bộ thôn, còn lại là 5 chi bộ trường học, 1 chi bộ Quân sự và 1 chi bộ cơ quan. Được sự nhất trí ủng hộ của Đảng ủy xã Phước Thuận, sau khi lấy phiếu thăm dò từ cuộc họp HĐND xã bất thường, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước đã ra quyết định bổ nhiệm đồng chí Dũng bấy giờ đang là Bí thư Đảng ủy làm Chủ tịch UBND xã. Trong quy trình thực hiện không phải không có những vấn đề tế nhị cần tập trung giải quyết, nhất là việc đả thông tư tưởng cho cán bộ, ĐV song cuối cùng việc “nhất thể hóa” vẫn tiến hành suôn sẻ.

Với trọng trách vừa là Bí thư Cấp ủy, vừa là Chủ tịch UBND xã, đồng chí Lê Ngọc Dũng nhận xét về mặt được của “nhất thể hóa”, trước hết bộ máy lãnh đạo, điều hành giảm bớt cồng kềnh, việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền đồng bộ, thống nhất và kịp thời hơn. Trước kia chưa “nhất thể hóa”, Bí thư Đảng ủy tiếp nhận thông tin từ cấp ủy cấp trên rồi về triển khai lại cho Chủ tịch UBND xã hoặc có khi Chủ tịch đã có thông tin từ kênh chính quyền cấp trên nhưng vẫn phải ngồi nghe lại lần thứ 2 từ phía cấp ủy rất mất thời gian. Nay để cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ cần 1 cuộc họp sẽ được Bí thư triển khai ngay một cách rõ ràng, chính xác và nhanh chóng. Đồng chí Dũng tâm sự: “Do vai trò cá nhân nên cần tránh sự lẫn lộn về trách nhiệm, phải thể hiện rõ khi nào ở vai Bí thư, lúc nào trong vai Chủ tịch, thú thật ban đầu tôi có lúng túng nhưng giờ thì công việc lãnh đạo, điều hành đã nhịp nhàng, tách bạch hẳn”. Đây cũng chính là điểm tế nhị đáng quan tâm, không ít ý kiến lo ngại nếu không xác định rõ công việc từng “vai”, việc “nhất thể hóa” sẽ dẫn đến tình trạng một cá nhân “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Để tránh tình trạng này, Phước Thuận đã xây dựng lại quy chế hoạt động của Đảng ủy và UBND xã, xác lập rõ mối quan hệ làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ với chính quyền và các đoàn thể, phân công giao nhiệm vụ thêm cho các cấp phó trong Đảng ủy, chính quyền và tăng cường trách nhiệm của các cán bộ trong hệ thống chính trị của xã.

Theo ghi nhận của chúng tôi, qua thực hiện thí điểm “nhất thể hóa”, Phước Thuận đã có dấu hiệu chuyển biến về phong cách, thái độ và chất lượng làm việc. Dễ nhận ra nhất là các ban, ngành, đoàn thể đã làm tốt hơn công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và chủ động hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhờ 2 vai, không chỉ ở vế lãnh đạo của cấp ủy, mà cả vế điều hành của UBND, Chủ tịch đã nắm được thông tin trực tiếp về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, thành viên các đoàn thể từ đó có cách giải quyết hiệu quả hơn, giúp cho công tác dân vận của chính quyền có bước khởi sắc. Bên cạnh đó, do “nhất thể hóa” chức danh cán bộ chủ chốt Đảng, chính quyền đã làm nảy sinh yêu cầu mới, đòi hỏi cấp phó phải năng động, sáng tạo và thạo việc hơn.

Trong thực tế, khi “nhất thể hóa” 2 chức danh nói trên, khối lượng công việc của cá nhân lãnh đạo, điều hành đã tăng gấp đôi. Điều đó có nghĩa người đảm nhiệm cương vị Bí thư đồng thời Chủ tịch phải là một cán bộ thực sự có năng lực, biết sắp xếp công việc khoa học, hợp lý hài hòa và tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi được biết tuy Huyện ủy Ninh Phước chưa tổng kết mô hình thí điểm “nhất thể hóa” ở Phước Thuận nhưng có thể nói qua thực hiện “nhất thể hóa” ở Phước Thuận, tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của cá nhân đứng đầu đang tạo ra nét mới trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở.