Từ Cảng Sài Gòn đến hang Pác Bó

Kể từ ngày 5/6/1911, rời Cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước trong suốt 30 năm, vượt qua ba biển bốn châu, trải qua 42 nước, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành cuối cùng đã trở về Tổ quốc, trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, lấy sức ta mà giải phóng cho ta.

Bến cảng Sài Gòn, nơi người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
- Ảnh tư liệu

Trên con đường gian khổ 30 năm, Bác đã có dịp tai nghe mắt thấy nhận rõ bản chất của thực dân đế quốc, thấy rõ "chủ nghĩa đế quốc như con đỉa có 2 vòi, một vòi hút máu người lao động bên chính quốc, một vòi hút máu dân thuộc địa, nếu chỉ cắt một vòi thì vòi kia lại mọc ra" do đó, dân thuộc địa phải đoàn kết kết hợp với người lao động bên chính quốc thì cả hai nước mới hoàn thành được sự giải phóng cho chính mình.

Phát hiện quan trọng đầu tiên này của Bác đã đưa chủ nghĩa dân tộc yêu nước đến với chủ nghĩa xã hội. Một phát hiện chưa một lãnh tụ yêu nước nào trên thế giới nhận ra.

Chính bởi phát hiện ấy, nên ngay trên đất Pháp với biệt danh là Nguyễn Ái Quốc, Bác đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, rồi trở thành một trong những người thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. Người trở thành đồng chí của những Paul Vaillant-Couturier, Maurice Thorey, Marcel Cachin, những trí thức Pháp chống đế quốc và chống chủ nghĩa thực dân.

Khi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, còn làm vướng vít cho quan điểm chống chủ nghĩa thực dân, thì cũng chính Nguyễn Ái Quốc khi rời nước Pháp sang Nga năm 1924, trên diễn đàn Quốc tế cộng sản, đã mạnh dạn phê phán thái độ "không dứt khoát chống chủ nghĩa thực dân thì đấy là người cộng sản làm thứ cách mạng gì?"

Điều không thể quên là ngay khi đã sang sinh sống và hoạt động trên đất nước của Lê Nin, lại cũng chính Bác là người cộng sản đầu tiên trên thế giới, ở năm thứ 30 của đời mình, đã mạnh dạn lên tiếng trên diễn đàn của Quốc tế cộng sản, khảng khái đề xuất bổ sung chủ nghĩa Mác bằng luận điểm đầy sáng tạo của mình:

"Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu, mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xô Viết đảm nhiệm".

"Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống như ở phương Tây. Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê Nin bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được". (Hồ Chí Minh toàn tập. Tập I, trang 464-465).

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp
- Ảnh tư liệu

Trong hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước, Bác đã thể hiện rất cao một tinh thần độc lập- tự chủ sáng suốt. Không lóa mắt trước các thứ được mệnh danh là "chủ nghĩa" ở nước ngoài, để tìm ra được một giải pháp thích hợp nhất cho sự giải phóng đất nước và nhân dân mình.

"Tự do cho tất cả đồng bào tôi, độc lập cho đất nước tôi. Đó là điều duy nhất tôi muốn. Đó là điều duy nhất tôi hiểu".

Câu nói ấy như một kim chỉ nam dẫn dắt mọi hành động của Bác. Đó cũng là phẩm chất cao quý làm nên sự kính trọng dành cho Bác của mọi lãnh tụ dân tộc trên thế giới, dù có bất cứ khuynh hướng chính trị nào.

Dù ở châu Á, châu Phi hay châu Âu, châu Mỹ, đến đâu Bác cũng chân thành yêu quý nhân dân và trở thành người bạn quý của những người lao động chân tay và trí óc ở nước ấy. Tinh thần đoàn kết quốc tế ở Bác Hồ thật vô cùng trong sáng và bền chặt, thủy chung.

Cho đến bây giờ, sách sử thế giới còn ghi chép những trang cảm động về mối tình ân nghĩa của Bác Hồ với gia đình luật sư người Anh Loseby đã cứu thoát người tù Việt Nam ra khỏi đất Hồng Kông, Trung Quốc.

Đến bây giờ, sách sử thế giới còn ghi chép bao nhiêu giai thoại thấm đậm nghĩa tình trong quan hệ của Bác với các yếu nhân người Nga như Malinovski, Borodin; người Trung Quốc như bà Tống Khánh Linh, phu nhân của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên; người Pháp như Raymonde Aubrac; người Mỹ như Archimèdes Patti, Allison Thomas. Tất cả đều ngưỡng mộ ở Bác một tinh thần quốc tế cao cả, một nhân cách trong sáng đáng phục.

Rời nước ra đi lúc còn là một thanh niên 21 tuổi, rủ một người bạn khác cùng đi, nhưng chỉ nhận được một lời từ chối vì ngần ngại "lấy gì mà sống", Bác đã bằng hai bàn tay trắng làm bất cứ việc gì có thể tự nuôi sống được mình. Rồi từ đó, Bác tự rèn luyện mình, tự học hỏi ở người, nói được hơn 10 thứ tiếng, trở thành người có văn hóa cao, nhà chính trị ngoại giao giỏi, vượt qua bao khó khăn hiểm nguy, kiên trì lý tưởng, giữ vững lập trường dân tộc yêu nước và ý chí độc lập tự chủ, không trông chờ ở ngoại viện, mà quyết định trở về Tổ quốc, huy động lực lượng nhân dân "lấy sức ta mà giải phóng cho ta".

Sau khi đã đi vòng quanh trái đất, tháng 9/1940, từ Trung Quốc, Người quyết định triệu tập hai thanh niên trí thức yêu nước Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng sang Côn Minh (Vân Nam) để nhận nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng trong nước.

Và ngày 28/1 năm sau, năm 1941, một ngày mồng 2 Tết âm lịch năm Tân Tỵ, Bác đã bí mật về nước. Vượt qua cột mốc 108 thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng, Bác đã chọn một nơi kín đáo nhất là hang Pác Bó để lãnh đạo cuộc cách mạng của toàn dân.

Ra đi từ Bến cảng Sài Gòn năm 21 tuổi để tìm đường cứu nước lúc mọi cuộc vận động phục quốc đều đã thất bại, Bác đã phân tích rõ được bản chất của bạn- thù, nhận ra được con đường duy nhất đúng là phải lấy sức ta để giải phóng cho ta, gắn chủ nghĩa dân tộc yêu nước với chủ nghĩa quốc tế xã hội trong sáng.

Ba bài học lớn nhất Bác để lại cho ta ngày nay là bài học giương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, bài học của tinh thần độc lập tự chủ, bài học của tinh thần đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.

Nguồn www.chinhphu.vn