Trên những công trình trọng điểm

Một mùa xuân mới đang về với nhiều kỳ vọng, niềm tin vào sự phát triển. Trên những công trình trọng điểm của tỉnh, mùa xuân này cũng tưng bừng, nhộn nhịp khí thế thi đua để hoàn thành theo đúng tiến độ.

1. Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là dự án trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đô thị Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng và của tỉnh nói chung. Dự án môi trường bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017, với tổng mức đầu tư 87,9 triệu USD, tương đương 1.933 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn, thực hiện trong 5 năm từ năm 2017-2022. Dự án được UBND tỉnh giao cho Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh làm chủ đầu tư. Trong giai đoạn đầu (30%), dự án hiện đang hoàn tất thủ tục thu hồi đất, khẩn trương triển khai thi công các gói thầu quan trọng gồm: Hạ tầng Khu tái định cư Phan Đăng Lưu, mở rộng kéo dài đường hẻm 150, đường 21 Tháng 8, nâng cấp kênh Chà Là và đường dọc kênh, tuyến kênh TH5, kênh Nhị Phước. Dự án cũng đang triển khai các hạng mục giai đoạn 2 (70%), đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công vào quý I-2022. Dự án môi trường bền vững với mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân thông qua việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị; hỗ trợ tăng cường quản lý, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần rất lớn trong cải thiện môi trường, cảnh quan, giúp tỉnh Ninh Thuận thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng đô thị Phan Rang - Tháp Chàm văn minh, hiện đại.

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang -
Tháp Chàm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

2. Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, xã Phước Hòa (Bác Ái) có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình gồm cụm hồ Sông Cái gồm 5 đập dài 2.770 m, cao 66 m, dung tích 219 triệu m3, là dự án thủy lợi đầu tiên của cả nước được đầu tư xây dựng theo mô hình hiện đại, điều tiết nước tưới bằng đường ống áp lực thông qua hệ thống đường ống kín, giúp cho tỉnh hiện thực hóa chủ trương xây dựng hệ thống liên hồ và tưới chủ động tiết kiệm nước. Dự án sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác khu vực hạ lưu, tiếp nước cho hệ thống thủy lợi, hồ chứa, khu tưới hiện có của tỉnh, gồm: Hệ thống Nha Trinh- Lâm Cấm, hồ Cho Mo, Thành Sơn, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh..., đồng thời, tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh (Khánh Hòa), giúp giảm nhẹ lũ hạ du và nuôi trồng thủy sản lòng hồ, bổ sung nguồn nước sinh hoạt và phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai. Dự án được tái khởi động từ năm 2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành, tiến hành tích nước, sắp tới sẽ bàn giao cho tỉnh quản lý và vận hành sử dụng.

Công trình thủy lợi hồ Tân Mỹ, xã Phước Hòa (Bác Ái) góp phần giúp Ninh Thuận chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
trong sản xuất nông nghiệp.

3. Dự án Hồ chứa nước Sông Than nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, được xây dựng với quy mô dung tích 85,04 triệu m3, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2018-2022. Công trình được xây dựng các hạng mục như: Đập đất nhánh phải với chiều dài đỉnh đập hơn 1.000 m, cao trình đỉnh đập hơn 140 m; đập bê tông trọng lực nhánh trái với chiều dài đập hơn 300 m, cao trình đỉnh đập hơn 140 m; hai đập phụ có chiều dài đỉnh đập hơn 400 m, cao trình đỉnh đập hơn 280 m... Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu hụt nguồn nước trước tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu; phục vụ nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác và nước sinh hoạt ổn định cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu huyện Ninh Sơn và khu vực phía Nam của tỉnh.

4. Dự án Cảng biển, Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná xã Phước Diêm (Thuận Nam). Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, có quy mô lớn mang tầm quốc tế với vốn đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng đang được Tập đoàn Trung Nam gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công tại xã Phước Diêm (Thuận Nam). Giai đoạn 1 của dự án quy mô hơn 108 ha, công suất thiết kế lượng hàng qua cảng khoảng 3,3 triệu tấn/năm với các phân khu chức năng chính gồm: 2 bến cảng tiếp tàu với tải trọng toàn phần từ 70.000-100.000 tấn; 1 bến cảng 20.000 tấn cùng với khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ... Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị ra, vào cảng để phục vụ sản xuất và chế biến cho các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc phục vụ trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt là nơi tiếp nhận khí hóa lỏng để phục vụ hoạt động Nhà máy Điện khí LNG Cà Ná.

Cảng biển tổng hợp Cà Ná đang được khẩn trương thi công.

Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná có tổng công suất 6.000 MW, được xây dựng tại xã Phước Diêm (Thuận Nam); trong đó, giai đoạn 1 công suất 1.500 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng. Quy mô đầu tư dự án có 4 hạng mục chính, gồm: Xây dựng 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; xây dựng hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu gồm xây dựng cảng nhập LNG; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1; thi công hệ thống truyền tải điện đảm bảo truyền tải, xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật... Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, dự kiến tiến độ đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công trong quý II-2022; hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II-2026. Hiện nay tỉnh đang triển khai thực hiện các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc phát triển dự án điện sử dụng khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) sẽ là yếu tố quan trọng tiếp theo nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia và phát triển mạnh mẽ vùng động lực phía Nam của tỉnh.

Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, cùng sự quyết tâm cao độ và nỗ lực vượt khó của các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công, các công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh nhà. Đây thực sự là động lực tạo nên sức xuân, sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh nhà trong năm mới.