Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7-11-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về “Phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực giai đoạn 2011-2020” và 4 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 19-4-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2020” đã đạt một số kết quả tích cực. Đặc biệt, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực (NNL) được nâng lên. Nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách về phát triển NNL được ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả. Quy mô, chất lượng NNL được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; các cơ sở đào tạo, dạy nghề trọng điểm của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cả ngắn hạn, trung hạn. Công tác thu hút lao động có chất lượng, trình độ chuyên môn cao làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong tỉnh được quan tâm thực hiện và đạt kết quả bước đầu. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch, năng suất lao động toàn xã hội tăng hơn 3 lần so với năm 2011, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững.

Vĩnh Hy là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh ta ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh: V.N

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế, đó là chuyển dịch cơ cấu lao động tuy đúng hướng nhưng còn chậm, lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp còn cao; quy mô đào tạo, chất lượng NNL chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tỷ trọng lao động có trình độ cao trong số lao động đang làm việc trong nền kinh tế còn thấp (18,7%). Vai trò Nhà nước trong định hướng, tác động thông qua các chính sách vào thị trường cung - cầu lao động chưa đủ mạnh; đầu tư ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số chậm; dự báo thị trường cung cầu, phát triển sàn giao dịch lao động, việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nâng chất lượng lao động trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm. Công tác đầu tư thông qua thực hiện một số chính sách phát triển NNL chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng NNL còn hạn chế.

Nhằm hướng tới phát triển NNL của tỉnh có quy mô, cơ cấu hợp lý, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, ngày 10-1-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về nâng cao chất lượng NNL các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 63% lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó: Năng lượng chiếm 5,5%; du lịch đẳng cấp cao chiếm 5,5%; nông nghiệp đặc thù chiếm 20,5%; kinh tế đô thị chiếm 68,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%; lao động có trình độ cao làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm đạt trên 22%; cơ cấu lao động trình độ cao trong ngành: Năng lượng chiếm 18%, du lịch đẳng cấp cao chiếm 30,7%, nông nghiệp đặc thù chiếm 14%, kinh tế đô thị chiếm 25%. Đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 68% lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó: Năng lượng chiếm 7,3%; du lịch đẳng cấp cao chiếm 13,8%; nông nghiệp đặc thù chiếm 20,2%; kinh tế đô thị chiếm 58,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%; lao động trình độ cao làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm đạt trên 27%; cơ cấu lao động trình độ cao trong ngành: năng lượng chiếm 20%, du lịch đẳng cấp cao chiếm 32,7%, nông nghiệp đặc thù chiếm 18%, kinh tế đô thị chiếm 30%.

Nhân viên kỹ thuật Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam kiểm tra vận hành hệ thống điện. Ảnh: Văn Nỷ

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu nêu trên, Tỉnh ủy đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chỉ đạo tập trung thực hiện. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển và nâng cao chất lượng NNL các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; nâng cao mặt bằng dân trí, trình độ học vấn; thể lực, tầm vóc NNL. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng, đánh giá và phát triển NNL. Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút NNL; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách. Tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển NNL. Nâng cao trách nhiệm cấp ủy đảng, hệ thống chính trị trong đào tạo, phát triển NNL. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.

Trên cơ sở thực tế nhiệm vụ đề ra, Tỉnh ủy giao các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong toàn Đảng bộ và Nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng NNL; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra; đồng thời tăng cường giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc triển khai, quán triệt, học tập Nghị quyết; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nâng cao chất lượng NNL; kịp thời phát hiện, đưa tin những cách làm hay, điển hình tốt để nhân rộng. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội có kế hoạch phối hợp tuyên tryền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển NNL. Phát huy hiêu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển NNL. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể hóa, bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Chủ trì phối hợp với các ban xây dựng Đảng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; định kỳ hằng năm, 3 năm, 5 năm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung nghị quyết đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.