Hiệu quả từ những nỗ lực giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh ta quan tâm triển khai thường xuyên, nghiêm túc với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, qua đó đã góp phần đáng kể trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Giúp hộ nghèo “an cư, lạc nghiệp” là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đẩy mạnh, mang lại kết quả thiết thực, giúp hàng trăm hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở kiên cố để an tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, trong năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 209 nhà, sửa chữa 11 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, cận nghèo và những hộ thật sự khó khăn về nhà ở, với số tiền trên 10,6 tỷ đồng. Ngoài những căn nhà “Đại đoàn kết”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn trích Quỹ Cứu trợ tỉnh hỗ trợ xây mới 37 căn nhà, sửa chữa 2 căn nhà cho người dân có nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện Bác Ái và Thuận Bắc, với tổng số tiền 1,52 tỷ đồng.

Hội Phụ nữ phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tặng quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ảnh V.N

Chung tay giúp đỡ người nghèo “an cư, lạc nghiệp”, các hội, đoàn thể cũng tăng cường công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hội viên, người có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở để sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nổi bật có thể kể đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã vận động, hỗ trợ kinh phí giúp 11 hộ nghèo, bệnh nhân nghèo xây dựng nhà ở với số tiền 560 triệu đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, cùng sự đóng góp của hội viên, phụ nữ hỗ trợ xây dựng 13 căn nhà “Mái ấm tình thương” trị giá 650 triệu đồng; Liên đoàn Lao động tỉnh vận động, triển khai Chương trình “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ 13 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở với số tiền 500 triệu đồng... Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình được cộng đồng chung tay xây dựng không chỉ giúp người nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí nhà ở trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với nhà ở, hằng năm, UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp tiền điện; hỗ trợ hộ nghèo, gia đình thật sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... được quan tâm triển khai, đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, khiếu nại. Các cấp Mặt trận, đoàn thể phát động, triển khai có hiệu quả nhiều phong trào giúp nhau trong đoàn viên, hội viên về vốn, tư liệu sản xuất; tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp triển khai công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả và các phong trào giúp nhau trong dòng tộc, cộng đồng dân cư được duy trì, nhân rộng. Ngoài ra, để người nghèo có thêm niềm tin, nghị lực vượt lên khó khăn, phát triển kinh tế ổn định đời sống, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền, đoàn thể thống nhất giới thiệu, phân công các ban, ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái nhân rộng mô hình “Thanh niên tham gia lao động tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, tích lũy thu nhập xây dựng nhà ở kiên cố tại thôn Suối Rua, xã Phước Tiến”; đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án “Giảm nghèo bền vững cho đồng bào nghèo huyện Bác Ái giai đoạn 2021-2026”, thông qua việc lựa chọn mô hình sản xuất loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương...

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công ty Điện lực Ninh Thuận trao nhà "Mái ấm tình thương"
cho gia đình chị Nguyễn Thị Đời, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Kim Thùy

Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bên cạnh những hình thức giúp đỡ nêu trên, biện pháp “dài hơi” được nhiều tổ chức, đơn vị quan tâm, nhân rộng chính là việc duy trì hoạt động “đỡ đầu” trợ giúp hằng tháng, hằng quý cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình có thể kể đến các cấp Mặt trận Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hỗ trợ hằng tháng cho người nghèo 128 suất quà (từ 100.000-300.000 đồng/hộ/tháng), với tổng số tiền gần 15 triệu đồng; Đoàn Thanh niên Công an tỉnh nhận chăm sóc, đỡ đầu 52 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Đoàn phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) duy trì hoạt động thăm hỏi, vận động hỗ trợ định kỳ hằng tháng cho 1 gia đình thân nhân liệt sĩ, 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 3 cụ già neo đơn với tổng số tiền gần 17 triệu đồng/năm; Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường” (thực hiện từ năm 2016) và “Con nuôi Đồn Biên phòng” (thực hiện từ năm 2019) nhận đỡ đầu, tiếp sức cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện đến trường, phấn đấu để có tương lai tương sáng hơn...

Những việc làm, hoạt động thiết thực, ý nghĩa ấy đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 14,93% năm 2016 xuống còn 4,56% năm 2021. Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới từ 1,5-2%; triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và giải quyết việc làm giúp người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống.