Ninh Sơn: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Trước biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC), nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo quy hoạch của tỉnh, vùng sản xuất nông nghiệp CNC ở huyện Ninh Sơn có diện tích 790 ha, tập trung tại các xã Mỹ Sơn, Lương Sơn và Quảng Sơn. Đến thời điểm hiện tại, ngoài 2 loại cây trồng chủ lực là mía và mì, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Các sản phẩm như dưa lưới, nha đam, nho, chanh không hạt được canh tác trên địa bàn đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 9 doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Trong đó, có 3 DN chăn nuôi, 4 DN sản xuất trồng trọt, 2 DN sản xuất, chế biến. Nhiều mô hình canh tác tiên tiến đã được triển khai như: Trồng cây trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, VietGAP.

Công nhân Công ty Cổ phần Nắng và Gió, xã Mỹ Sơn chăm sóc cây dưa lưới. Ảnh: P.Bình

Cuối năm 2021, đi một vòng trên địa bàn huyện chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương của bà con nơi đây. Ngay từ sáng sớm, người dân đã tranh thủ ra đồng để chăm sóc rau màu phục vụ tết Nguyên đán 2022. Có mặt tại Hợp tác xã (HTX) Tương Lai Xanh (xã Lâm Sơn), tại đây có hơn 10 nhân công đang trực tiếp chăm sóc dưa lê Bạch Ngọc và dưa lê Hàn Quốc. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư bài bản với nhà màng cùng lưới chuyên dụng, lưới chống côn trùng đã tạo thành một môi trường vi khí hậu khép kín cho cây trồng, thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ tưới nước, bón phân tự động, hệ thống cắt nắng, giảm nhiệt, điều chỉnh ánh sáng, hệ thống điều hòa, làm ấm, hệ thống cung cấp CO2 đã tạo ra môi trường tối ưu giúp cây dưa tránh được tác động của môi trường bên ngoài. Anh Phạm Văn Minh, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX đã đầu tư hồ chứa nước và đường vận chuyển nông sản để sản xuất dưa lê quy mô 20 ha. HTX đang tiếp tục xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm dưa sấy dẻo, sấy giòn, nước ép...

Đến thăm Trang trại Ngọc Hiển ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn vào cuối tháng 12-2021, tại đây hàng chục nhân công đang thu hoạch chanh, đồng thời tỉa lá để tạo bông. Anh Dương Đình Hiển, chủ trang trại phấn khởi: Sau 3 năm trồng đến nay cây chanh đã cho thu hoạch. Nhờ thực hiện mô hình một cách bài bản, quy hoạch vùng trồng theo luống, theo hàng và được phân lô để thuận tiện chăm sóc cũng như đưa cơ giới hóa vào quá trình canh tác, sản xuất. Trên diện tích 30 ha, anh đã thâm canh theo hướng Plogap nên sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang Hà Lan. Anh cho biết thêm: 1 ha chanh cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm nên việc làm giàu trên cây chanh là điều không khó. Sắp tới, tôi sẽ tiến hành thành lập HTX, liên kết với nông dân trên địa bàn chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh nhằm nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Huyện đã có chính sách thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế tất yếu, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, vừa bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.