Đào tạo nghề trong điều kiện thích ứng, linh hoạt mới

Do tính chất đặc thù với nội dung thực hành chiếm đến 70% chương trình đào tạo nên việc học trực tuyến thời gian qua ở các trường nghề gặp không ít khó khăn. Do đó, hơn 2 tuần nay, thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) Ninh Thuận vô cùng phấn khởi khi được đến trường dạy và học trực tiếp một số tiết thực hành trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Khó khăn trong dạy thực hành theo hình thức trực tuyến

Với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, việc giảng dạy trực tuyến đã trở thành “đương nhiên” kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Tuy nhiên, đối với Trường CĐN Ninh Thuận, dù có nhiều cố gắng nhưng việc dạy học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường CĐN Ninh Thuận cho biết: Giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực giáo dục đặc thù. Nhà trường phải phụ thuộc vào đặc điểm ngành nghề để xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến. Đối với các ngành có hàm lượng lý thuyết nhiều như kế toán doanh nghiệp, quản trị khách sạn, quản trị mạng máy tính… có thể áp dụng hình thức học trực tuyến. Nhưng đối với những ngành học như cơ điện tử, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, hàn… thì người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý nên bắt buộc phải được tiếp xúc với máy móc mới có thể học được.

Tiết học thực hành trực tiếp của sinh viên khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Để đáp ứng yêu cầu dạy trực tuyến, đội ngũ giảng viên Trường CĐN Ninh Thuận đã thiết kế chương trình dạy lý thuyết phù hợp với chương trình đào tạo, cố gắng để đảm bảo chất lượng bài giảng, truyền đạt cho sinh viên những nội dung cơ bản, cốt lõi nhưng dễ hiểu, dễ áp dụng. Tuy nhiên, nhiều giảng viên cho rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời, vẫn phải “cầm tay chỉ việc” cho sinh viên trên các thiết bị tại phòng thực hành của nhà trường thì mới có kết quả. Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Minh, Phó Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường CĐN Ninh Thuận chia sẻ: Ô tô là tổng hợp của sự lắp ghép hàng vạn chi tiết cơ khí, linh kiện điện tử, đồng thời là sự kết hợp của hệ thống cơ khí và hệ thống điều khiển. Do vậy, chỉ cần thiếu cẩn thận, làm việc không nghiêm túc có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng về kỹ thuật, từ đó có thể gây ra hậu quả rất lớn về con người và kinh tế. Bởi thế nên việc dạy thực hành "cầm tay chỉ việc" cực kỳ quan trọng.

Tổ chức đào tạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Giám hiệu Trường CĐN Ninh Thuận đã áp dụng phương án triển khai dạy lý thuyết trước, thực hành sau. Khi điều kiện chưa cho phép sinh viên đến trường thì tổ chức dạy trực tuyến phần lý thuyết, đến thời điểm thích hợp thì tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để dạy kết thúc cả phần thực hành còn lại của năm học trước và của cả kỳ 1 năm học mới, sau đó cho sinh viên thi học kỳ. Bắt đầu từ ngày 13-12, nhà trường đã tổ chức dạy trực tiếp một số tiết thực hành đối với những sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày; ưu tiên những sinh viên năm cuối được học tăng cường các tiết thực hành, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để đảm bảo tốt nghiệp đúng thời hạn, tránh gây thiếu hụt nguồn cung cho thị trường lao động.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức dạy trực tiếp vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Ban Giám hiệu và Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy, kịch bản và giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra; phân công cán bộ, viên chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện “5K” khi học sinh đến trường; vệ sinh, khử khuẩn các khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, bố trí thùng rác có nắp đậy tại các vị trí phù hợp; bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong suốt thời gian học sinh có mặt ở trường, các nhân viên y tế học đường thường xuyên trực phòng, chống dịch để kịp thời xử lý khi xuất hiện F0 trong phạm vi trường học. Thời khóa biểu cũng được sắp xếp giờ vào lớp, giờ ra chơi, giờ ra về lệch nhau giữa các lớp, tránh tập trung đông người cùng một thời điểm. Trong mỗi lớp học, giảng viên hướng dẫn sinh viên chia theo nhóm nhỏ 2-3 em, đảm bảo khoảng cách an toàn và luôn đeo khẩu trang trong suốt thời gian học tập tại trường.

Với những kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian khó khăn vì dịch COVID-19 vừa qua, thời gian trước mắt Ban Giám hiệu nhận thấy vẫn phải luôn sẵn sàng có những giải pháp tình thế thích hợp ứng phó với dịch bệnh, kết hợp cả hình thức dạy trực tuyến và dạy trực tiếp để đảm bảo kế hoạch và chất lượng đào tạo.