Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh về Đề án xây dựng và phát triển Phân hiệu Ninh Thuận

Ngày 31-12-2021, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh về Đề án xây dựng và phát triển Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025.

Trước khi tiến hành buổi làm việc chính thức, đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận có buổi gặp mặt thân mật và chào xã giao PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo UBND tỉnh và Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh

Tại buổi làm việc chính thức, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Tài chính, Vụ Tổ chức-Cán bộ, Vụ Giáo dục Đại học, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em. Về phía tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Tài nguyên-Môi trường. Về phía Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 11-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29-4-2021, UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Lễ bàn giao và hoàn thành công tác bàn giao Trường CĐSP Ninh Thuận cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nguyên trạng toàn bộ cơ sở vật chất, nhân sự, hoạt động đào tạo, tài chính năm 2021. Ngân sách từ năm 2022 trở đi, UBND tỉnh Ninh Thuận và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính cấp theo chỉ tiêu đào tạo cho Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Về tình hình hoạt động sau sáp nhập, năm học 2021-2022, Phân hiệu Ninh Thuận tuyển sinh và đào tạo 1.301 sinh viên, học viên (Cao đẳng và Đại học 1.167 sinh viên và 134 học viên cao học). Trong giai đoạn 2019-2021, Phân hiệu Ninh Thuận có 94 đề tài khoa học, 30 bài báo và tổ chức thành công 3 cuộc hội thảo. Định hướng tuyển sinh giai đoạn 2022-2025, Phân hiệu Ninh Thuận tiếp tục duy trì 12 ngành/chuyên ngành; đăng ký mở 4 ngành sư phạm bậc đại học và tiếp tục đào tạo 12 lớp trình độ cao đẳng do Trường CĐSP Ninh Thuận đã tuyển sinh và đào tạo trước thời điểm sáp nhập.

Về Dự án đầu tư xây dựng và phát triển Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Chí Minh tại Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và đề nghị ghi vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ thì ngân sách Trung ương sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Phân hiệu Ninh Thuận. Theo đó, dự kiến quy mô đào tạo đến năm 2025 là 4.000 sinh viên, với tổng mức đầu tư 777.637 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương hỗ trợ 100% theo tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, xem xét hỗ trợ cho tỉnh nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, có lời cảm ơn lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận và các sở, ban, ngành rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà; đồng thời, nhấn mạnh: “Giáo dục của địa phương mạnh thì giáo dục của toàn quốc mạnh; giáo dục địa phương phát triển thì giáo dục cả nước phát triển”. Mặc dù tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, được Trung ương hỗ trợ hàng năm, tuy nhiên, bằng nội lực của mình, tỉnh đã có những chính sách đầu tư đáng kể cho phát triển sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là đầu tư cho Chương trình phát triển giáo dục phổ thông năm 2018 với nguồn vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, với số vốn trên cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của phát triển giáo dục của tỉnh nhà.

Trên nguyên tắc chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đồng hành và ủng hộ với đề xuất nhu cầu của tỉnh Ninh Thuận và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh để làm việc với các bộ, ngành trung ương trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và định hướng tiềm năng, thế mạnh phát triển của tỉnh trong tương lai nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2025 đối với các ngành trụ cột của tỉnh, như: Năng lượng tái tạo, kinh tế biển, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao,...; đặc biệt là nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

Về cách làm cụ thể đối với xây dựng Phân hiệu Ninh Thuận, trước mắt, tỉnh Ninh Thuận và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Phân hiệu Ninh Thuận, trong đó có thành phần là lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Phân hiệu xác định những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài với quy mô, đất đai, lồng ghép các nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, giải phóng mặt bằng, tính cấp thiết, xây dựng dự án chi tiết,... và có kế hoạch thúc đẩy kiên trì để triển khai thực hiện dự án.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trân trọng bày tỏ sự cảm ơn, chia sẻ và quan tâm của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã dành tình cảm tốt đẹp, thời gian quý báu để tiếp và làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh Ninh Thuận xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 góp phần đưa sự nghiệp Giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển.