Thuận Nam: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành huyện Thuận Nam quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống Nhân dân.

Theo thống kê, đến cuối năm 2021 qua rà soát số hộ nghèo của huyện là 1.754 hộ, giảm còn 10,22% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Để đạt được những kết quả trên, huyện Thuận Nam đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ để tập trung phát triển kinh tế nông – lâm - ngư nghiệp, thu hút đầu tư, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi… cho các xã; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình sản xuất cho người dân các xã bãi ngang, miền núi. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung thực hiện các chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Nại Văn Sáu, thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam)
có điều kiện vươn lên thoát nghèo

Cùng với đó, huyện luôn quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ việc học tập cho con em. Chỉ tính riêng trong năm 2021, doanh số cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên 91 tỷ đồng, với hơn 2.900 lượt hộ vay. Nhiều hộ nghèo vay vốn đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Nguyễn Thị Nhân, thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, bộc bạch. Trước đây gia đình tôi kinh tế chủ yếu nhờ vào 2 sào lúa và làm thuê, làm mướn. Năm 2019 được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng, vợ chồng đầu tư chuồng trại, trồng cỏ và mua 20 con cừu về nuôi sinh sản. Được hỗ trợ vốn, cộng với những kiến thức được học tại các lớp tập huấn về chăn nuôi, gia đình đã biết cách chăm sóc, đàn cừu phát triển và sinh sản tốt. Nhờ đồng vốn từ Ngân hàng, sự chăm chỉ “lấy công làm lãi” của 2 vợ chồng, đến nay gia đình đã xây được căn nhà mới khang trang, có điều kiện cho con ăn học, phát triển đàn cừu được trên 70 con, mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng từ chăn nuôi cừu.

Đồng chí Phan Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận Nam, cho biết: Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng giúp địa phương giảm nghèo bền vững đó là việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn; chủ động liên kết đào tạo và kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc tại các doanh nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả cho lao động sau khi học nghề. Trong năm 2021, huyện đã tổ chức cho 490 lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề; giới thiệu việc làm cho 1.811 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác chăm lo nhà ở, sức khỏe cho người nghèo cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Từ các nguồn quỹ, năm 2021, huyện Thuận Nam đã hỗ trợ xây mới 22 căn nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí trên 1 tỷ đồng; phối hợp với Hội Bệnh nhân nghèo, Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tại các xã. Cấp trên 3.384 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo trong năm 2021. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 966 hộ nghèo với số tiền trên 640 triệu đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập cho 1.182 học sinh với số tiền trên 357 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Huyện Thuận Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,2% -1,5% trong năm 2022. Để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, thời gian tới, trên cơ sở hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung khai thác các nguồn lực. Theo đó, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn; vận động Nhân dân khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế - xã hội. Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tập trung hỗ trợ người dân phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn giảm nghèo; chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo… từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.