Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các giải pháp đột phá để triển khai thực hiện và phấn đấu trong giai đoạn này đạt tốc độ tăng giá trị của ngành từ 3-4%/năm; trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 30-40%/năm. Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 700 triệu đồng/ha.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được các cấp, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, sát với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đề ra, đạt một số kết quả nhất định, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đem lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng trong năm 2021, nhờ tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nên việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đạt một số kết quả tích cực. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn tỉnh đã thực hiện được trên 1.518 ha, vượt 1,2% kế hoạch. Triển khai 31 cánh đồng lớn, với diện tích trên 4.000 ha, trong đó triển khai mới 1 cánh đồng lúa 60ha tại huyện Ninh Sơn; duy trì và mở rộng liên kết 30 cánh đồng lớn, với diện tích 3.954,15 ha. Thực hiện 56 liên kết theo chuỗi giá trị, với diện tích 14.170 ha, đạt sản lượng 156.066 tấn; san phẳng mặt bằng ruộng bằng tia laser 19,1 ha. Ngoài ra, còn ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn giống mới, tăng diện tích áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến “1 phải, 5 giảm”, bao trái trên cây nho, bao lưới giàn táo, sản xuất dưa lưới trong nhà màn; từng bước hoàn chỉnh 2 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tôm giống và rau an toàn An Hải (Ninh Phước) mang lại hiệu quả thiết thực.

Đoàn công tác của HĐND tỉnh khảo sát mô hình trồng lan của hộ dân trên địa bàn thôn Tân Bình, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến nay chưa thật sự trở thành phong trào mạnh, chưa có sự tác động mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao; chưa có nhiều sản phẩm mới, mang tính đặc thù, độc đáo để cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, hàm lượng ứng dụng khoa học CNC vào sản xuất chưa nhiều; cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích còn thiếu, chưa đủ mạnh, chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư; chưa có sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Trong giai đoạn 2021-2025, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là giải pháp đột phá, trọng tâm, động lực để phát triển, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TU. UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu chung, đó là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 3-5 vùng đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, ưu tiên các vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng CNC An Hải (Ninh Phước) và Nhơn Hải (Ninh Hải); vùng sản xuất rau ứng dụng CNC An Hải; vùng nông nghiệp ứng dụng CNC Phước Trung (Bác Ái); vùng sản xuất nho ứng dụng CNC Vĩnh Hải (Ninh Hải); vùng nông nghiệp ứng dụng CNC Phước Tiến (Bác Ái); diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC toàn tỉnh đạt trên 1.000 ha. Hỗ trợ hình thành từ 2-3 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Có ít nhất 30 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả và lựa chọn, ưu tiên phát triển gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù của tỉnh để hướng đến xuất khẩu. Riêng về thủy sản, đến năm 2025, toàn tỉnh đạt sản lượng tôm giống trên 50 tỷ con; chủ động khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh, qua đó tiếp tục xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trước tiên cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cần có giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là dự án đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, khu nông nghiệp CNC theo hình thức đầu tư công - tư. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ cung ứng giống, vật tư, thiết bị, phục vụ nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đầu tư. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất; hợp tác liên kết với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, lựa chọn các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thị trường, phù hợp với tiềm năng lợi thế và tình hình sản xuất của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng sản xuất tại các cơ sở, vùng sản xuất giống hiện có; đồng thời rà soát, điều chỉnh bổ sung các vùng sản xuất giống nông nghiệp tập trung nhằm tạo ra cây, con giống có chất lượng tốt, năng suất cao, sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu sản xuất...