Nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

(NTO) Nhằm đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho người tiêu dùng, những năm qua, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh ta còn ban hành nhiều quyết định, quy định thực hiện việc bảo đảm VSATTP. Tuy nhiên, trước những nguy cơ gây mất an toàn về VSATTP như hiện nay, khiến người dân chưa thể yên tâm.

Chuyển biến nhưng chưa yên tâm

Ông Trần Mạnh Tường, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: Để siết chặt công tác quản lý về VSATTP, ngoài việc thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, ký cam kết đảm bảo VSATTP, tỉnh ta cũng rất “mạnh tay” trong việc tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo, xử phạt hành chính cũng như tạm đình chỉ kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay cứ diễn ra đó là hễ tiến hành kiểm tra là phát hiện có vi phạm. Đơn cử như trong đợt Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 vừa qua, qua tiến hành kiểm tra đối với 494 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doan dịch vụ ăn uống…, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện có 117 cơ sở vi phạm về VSATTP. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đoàn đã xử lý phạt tiền 10 cơ sở, với tổng số tiền trên 10 triệu đồng và lập biên bản buộc 31 cơ sở phải tiêu hủy trên 10 kg thực phẩm hết hạn sử dụng gồm túc xích, gia vị lẩu thái… Riêng “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm 2011, qua hơn 20 ngày tiến hành kiểm tra tại 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh, bếp ăn tập thể, Đoàn đã phát hiện có 17 cơ sở vi phạm về VSATTP. Trong đó, có 15 cơ sở vi phạm về điều kiện con người như không khám sức khỏe, tập huấn kiến thức về VSATTP cho nhân viên, 1 cơ sở vi phạm về nhãn mác và 1 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh.

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra hạn sử dụng sản phẩm tại cơ sở kinh doanh bánh kẹo
trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm.

Từ thực tế trên có thể thấy, công tác VSATTP ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu những hạn chế này không được khắc phục và khắc phục có hiệu quả thì việc bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng khó có thể thực hiện.

Cần phát huy tính chủ động của cộng đồng

Thực tế cho thấy, để đảm bảo chất lượng VSATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, điều tiên quyết vẫn là đề cao lương tâm và trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng VSATTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. tránh mang tính thời vụ, chỉ đến những dịp lễ, Tết, “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP”… đoàn kiểm tra liên ngành mới được thành lập để tiến hành đi kiểm tra, giải quyết những vụ việc vi phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng VSATTP.

Với mục tiêu không để các loại thực phẩm kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân, hiện tại cùng với việc chỉ đạo đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh và các địa phương tiếp tục thực hiện kiểm tra đối với những cơ sở còn lại, Ban Chỉ đạo Quản lý chất lượng VSATTP tỉnh, còn phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định, nội dung của Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Y tế về VSATTP đến với mọi người dân và các doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Tin rằng, với sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, vấn đề VSATTP sẽ không còn là nỗi lo của người tiêu dùng trong tỉnh, hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm trong nhân dân.

Trước thực trạng về vấn đề VSATTP như hiện nay, tốt hơn hết là người tiêu dùng cần có những kiến thức đầy đủ để có sự lựa chọn đúng sản phẩm đảm bảo VSATTP. Nên chọn những loại có đăng ký chất lượng, có tên nhà sản xuất, có ngày sản xuất, hạn sử dụng, bao gói còn nguyên vẹn và được bảo quản đúng quy định.