Đại đoàn kết toàn dân tộc - bài học lịch sử và giá trị trường tồn

Đoàn kết là một truyền thống và bài học quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam

Được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã dùng ca dao, tục ngữ để khuyên nhủ các thế hệ mai sau đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, cùng nhau lập nghiệp: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; hay: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn/ Thuận bè thuận bạn, tát cạn biển Đông”... Chính nhờ tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, nhân dân ta đã vượt qua mọi gian lao thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông bờ cõi, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Là biểu trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xác nhận: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (1). Sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại, bởi: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” (2). Và chính Người đã vạch ra phương châm cho sự thắng lợi tất yếu của cách mạng: “Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” (3).

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18-11 hằng năm trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam và là “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Suốt hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam đã khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), do yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, tổ chức Mặt trận mang nhiều tên gọi khác nhau, như: Hội Phản đế đồng minh (11-1930), Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (11-1936), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3-1938) và Việt Nam Độc lập Đồng Minh (5-1941), gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đã động viên, tổ chức mọi tầng lớp Nhân dân đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), với tinh thần “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (4), Mặt trận Liên - Việt chủ trương tập hợp hết thảy các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp; đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tại miền Bắc, MTTQ Việt Nam đã động viên đồng bào, chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, đã trở thành hậu phương lớn vững chắc, hết lòng, hết sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tại miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nêu cao ngọn cờ đoàn kết là sức mạnh, cùng với quân dân miền Nam đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Với phương châm thống nhất toàn dân tộc vì mục tiêu thắng lợi của cách mạng, trong thời kỳ này, MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã luôn sát cánh cùng nhau, tạo ra sức mạnh không gì lay chuyển nổi của khối đại đoàn kết dân tộc, làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết trong điều kiện mới

Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân vận tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước. Mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và các đoàn thể với các tầng lớp nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường, phát huy. Ðường lối chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp Nhân dân chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hoạt động bảo vệ biên giới, chủ quyền, biển đảo, phòng, chống thiên tai, bão lũ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng xây dựng quê hương, đất nước.

Phát huy truyền thống quý báu ấy, trong trận chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã sớm kêu gọi Nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Ngày 29-7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch. Sau đó, ngày 14-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Trước đó, tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 ngày 27-5-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, trên tuyến đầu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh.

Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên quyên góp hay trực tiếp đến giúp đỡ bà con khó khăn do dịch bệnh. Những cây “ATM gạo”, những “Siêu thị 0 đồng” được thiết lập ở giữa tâm dịch; những chuyến xe thực phẩm mang nặng nghĩa đồng bào... Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và Nhân dân... Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.

Khi “lòng Dân” và “ý Đảng” hội tụ thì đó thực sự là động lực và sức mạnh để cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng đại dịch COVID-19 và tiếp tục kiến tạo các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Theo TTXVN
------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr 38.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 280.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr 120.

(4) Lịch sử biên niên Ðảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, tập 3, tr.145-146.