Phương pháp rèn luyện kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn (tiếp theo)

(Tiếp theo kỳ trước)

2. Kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội

Đối với câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội ngắn, cần chú ý dung lượng (khoảng 400 từ). Thực tế cho thấy, đây là một loại bài khó đối với học sinh, nhiều học sinh còn khá lúng túng đối với dạng đề này. Học sinh cần xác định ngay từ đầu những bước (thao tác) cơ bản của dạng đề nghị luận xã hội. Đầu tiên cần làm rõ vấn đề nghị luận (qua giải thích, phân tích, chứng minh) rồi mới bàn luận (khẳng định ý kiến, bàn luận mở rộng, liên hệ thực tế...). Dẫn chứng thực tế cho dạng đề này là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, tránh tình trạng dài dòng, lan man.

Bài nghị luận xã hội có hai dạng: Nghị luận (bàn bạc) về một tư tưởng, đạo lý. Nghĩa là trao đổi, thảo luận về một ý kiến, một quan điểm. Ví dụ: Suy nghĩ về quan điểm “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “Học thầy không tày học bạn” hoặc “Hạnh phúc là đấu tranh”... Dạng thứ hai là nghị luận về một hiện tượng đời sống. Yêu cầu người viết trình bày nhận thức, quan điểm về những hiện tượng đáng lưu ý, “có vấn đề” trong đời sống. Ví dụ suy nghĩ về hiện tượng học sinh nữ đánh nhau; suy nghĩ về hiện tượng nhiều bạn trẻ đi học ở nước ngoài không trở về Việt Nam làm việc; về hiện tượng game online trong giới trẻ…

Dạng thứ nhất: Nghị luận về tư tưởng, đạo lý, cấu trúc bài làm luôn có ba phần:

Giải thích, chứng minh vấn đề cần nghị luận

Bàn luận: ý nghĩa, mặt đúng, mặc tích cực; mặt tiêu cực, cần bổ sung…

Bài học nhận thức và hành động: Nên suy nghĩ thế  nào, hành động ra sao, liên hệ bản thân.

Dạng thứ hai: Nghị luận về hiện tượng đời sống, cấu trúc cũng có ba phần:

Nêu thực trạng của hiện tượng: Hiện tượng đó phản ánh điều gì.

Giải thích nguyên nhân hiện tượng.

Đề xuất giải pháp, phương hướng khắc phục, cách ứng xử.

Nhiều học sinh mất điểm vì viết lan man, bài dài nhưng không có ý. Nếu trình bày đúng cấu trúc như trên sẽ không bị chệch hướng và dễ đạt điểm cao. Bài nghị luận xã hội người viết có quyền trình bày quan điểm, tư tưởng, kinh nghiệm sống riêng, song để thuyết phục được người đọc thì bài văn bao giờ cũng phải đi theo một mạch tư duy sáng rõ, mạch lạc.

Muốn làm tốt kiểu bài nghị luận xã hội, học sinh nên quan tâm đến những vấn đề xã hội, những quan niệm về tư tưởng, hạnh phúc, tình yêu, tình bạn…và tạo cơ hội tranh luận đúng sai, giải thích nguyên nhân, nêu quan điểm, giải pháp. Lâu dần sẽ rèn luyện khả năng nhận thức vấn đề nhanh, tranh biện sắc sảo, thuyết phục.

Đối với bài văn nghị luận xã hội, ngoài việc phải thu thập thông tin, đọc nhiều để có kiến thức xã hội, học sinh cần phải nhớ bố cục của từng dạng bài nghị luận (về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống). Khi đọc đề, phải xác định ngay đề thuộc dạng nghị luận nào. Từ đó viết dàn ý sơ lược theo bố cục của dạng đề đó ra giấy nháp, cân nhắc kỹ để chắc chắn không lạc đề, không sai bố cục, triển khai đúng yêu cầu rồi mới viết. Những lỗi học sinh thường mắc phải là không triển khai bài văn đúng, đủ thao tác do không lập dàn ý trước dẫn đến bài văn sơ sài, thiếu ý, bố cục lộn xộn.

LỊCH THI VÀ THỜI GIAN THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2011

Ngày 17-5-2011, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 705/SGDĐT-KTKĐ hướng dẫn bổ sung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011.
Theo đó, lịch thi và thời gian thi cụ thể như sau:

Xem tiếp kỳ sau