Quyết tâm tạo đột phá để cải thiện chỉ số PCI:

Bài 1: Linh hoạt trong chỉ đạo điều hành

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, chỉ số PCI của tỉnh hằng năm được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Xác định chỉ số PCI là thước đo quan trọng để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp (DN), ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3912/UBND-TH ngày 16-9-2016 phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện phù hợp điều kiện thực tế, với mục tiêu hướng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần. Đồng thời, UBND tỉnh còn ban hành 6 quyết định, 21 kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN. Trong đó, có một số chương trình, kế hoạch lớn như: Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2016-2020; Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với DN định kỳ hằng tháng...

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân.

Ngoài việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn, hằng năm trên cơ sở kết quả đánh giá chỉ số PCI, UBND tỉnh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI, phân tính các vấn đề hạn chế về PCI, từ đó xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả từng chỉ số thành phần. Mặt khác, UBND tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, thông tin đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công; rà soát, công bố mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp; cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Kết quả đến nay, đã gỡ bỏ 4.930 thủ tục không còn hiệu lực. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.832 TTHC, trong đó, cấp tỉnh 1.428 TTHC; cấp huyện 257 TTHC và cấp xã 147 TTHC. Nhờ đó rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC cho người dân, DN; riêng tỷ lệ hồ sơ trả kết quả sớm và đúng hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đạt 99,95%.

Mặt khác, tỉnh còn chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ quản lý DN và cán bộ trực tiếp tham gia công tác hỗ trợ DN. Trong 5 năm (2016-2020), các sở, ngành đã tổ chức 32 lớp tập huấn cho trên 1.700 lượt người tham gia; đồng thời, cử 6.462 lượt cán bộ, công chức, viên viên chức đi đào tạo chuyên môn và bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo các tiêu chuẩn quy định, trong đó có 295 trường hợp đào tạo sau đại học và có 147 trường hợp được cử đi bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm, khảo sát, nghiên cứu, tiếp cận công nghệ kỹ thuật ở nước ngoài, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được ưu tiên đầu tư, từ 2016 đến nay tỉnh đã phê duyệt tổng số 223 đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết trên tất cả các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN tiếp cận nguồn lực và cơ hội đầu tư.

Sản xuất nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt.

Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp kể trên, nên môi trường kinh doanh của tỉnh ngày được cải thiện, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020 có 200 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 111.812 tỷ đồng, chiếm 45,2% số dự án và 69,6% vốn đăng ký. Đặc biệt, trong năm 2018 đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 63 dự án với tổng vốn đăng ký 44.220 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay về số dự án thu hút và tổng vốn đăng ký, đưa Ninh Thuận vào nhóm 10 tỉnh thu hút vồn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước trong năm 2018. Ngoài ra, có 40 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn 55.608 tỷ đồng, đang hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định. Đáng chú ý là đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược, có thương hiệu quan tâm đăng ký đầu tư như: Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Công ty Trường Thành, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bitexco... đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế như: Năng lượng tái tạo, du lịch..., phù hợp với chủ trương đổi mới công tác thu hút mời gọi đầu tư của tỉnh.

Không chỉ huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong giai đoạn 2016-2020 số DN thành lập mới của tỉnh cũng tăng lên rất đáng kể, với tổng số 2.419 DN, tổng vốn đăng ký 39.634 tỷ đồng, chiếm 42,9% số DN và chiếm 56,6% số vốn đăng ký từ trước đến nay. Đặc biệt, trong năm 2019 và 2020 có 1.192 DN thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay (chiếm 49,2% số lượng DN thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020), với tổng vốn đăng ký 12.697 tỷ đồng (chiếm 32,03% trong giai đoạn 2016-2020). Kết quả trên đã góp phần để tỉnh thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, trong đó: Tốc độ tăng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân đạt 10,9%/năm, quy mô nền kinh tế tăng 2,18 lần so với năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 60,7 triệu đồng/người, tăng 2,19 lần so với năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 79.275 tỷ đồng, tăng gấp 2,39 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư đạt 66.265 tỷ đồng, chiếm 83,5%, tăng gấp 3,48 lần so với giai đoạn 2011-2015.

---------------
Mời xem tiếp kỳ sau: Bài 2: Phấn đấu tăng dần từng chỉ số