Thực hiện nhanh và hiệu quả chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với các cấp, các ngành, địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được triển khai, thực hiện, bước đầu đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, gây xáo trộn tới đời sống xã hội, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế, nhu cầu chuyển đổi số lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đây cũng là cơ sở để biến những khó khăn thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên địa bàn tỉnh. Nếu như trước đây việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp, trao đổi, nhiều việc cần phải giải quyết nhanh, kịp thời sẽ thực hiện theo hình thức trực tiếp nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành không bị gián đoạn, hầu hết các cuộc họp từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều chuyển sang hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số.

Trung tâm Giám sát an toàn, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: N.A.T

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chỉ đạo thưởng xuyên, đã thúc đẩy tích cực ứng dụng ICT trong hoạt động công vụ. Đến nay, Ninh Thuận đã đồng bộ hóa việc ứng dụng ICT trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông từng bước hiện đại hóa; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 90% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính có kết nối mạng; riêng các cơ quan khối Đảng và cơ quan nhà nước đã kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến liên thông 4 cấp từ trung ương, tỉnh, huyện, xã; đã triển khai trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và điều hành đô thị thông minh (IQC) đảm bảo yêu cầu về bảo mật và an toàn thông tin. Hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành được triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành và đã hoàn thiện trục liên thông văn bản 4 cấp, đảm bảo gửi nhận văn bản điện tử trong toàn tỉnh và các cơ quan trong tỉnh với các cơ quan trung ương, các địa phương khác có kết nối với trục liên thông quốc gia, tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trưởng mạng ở cấp tỉnh đạt 100%. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoạt động ổn định, ngày càng nâng cao chất lượng, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4; số lượng doanh nghiệp ứng dụng ICT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày một tăng; toàn tỉnh hiện có 789 doanh nghiệp ứng dụng ICT vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng 28,92%. Mạng 4G được phủ trên 90% hộ gia đình và 100% số thôn có dân cư trên địa bàn toàn tỉnh; tỷ lệ thuê bao điện thoại đạt 113,3 thuê bao/100 dân; mật độ kết nối internet đạt 91 thuê bao/100 dân; tỷ lệ điện thoại thông minh đạt 60% dân số của tỉnh. Bên cạnh đó, kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử, góp phần nâng cao tinh minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: T.Xuân

Bên cạnh những thuận lợi, việc chuyển đổi số của tỉnh cũng có những khó khăn, thách thức lớn nhất đó là nhận thức và sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chuyển đổi số. Mặt khác, hạ tầng, nền tảng kỹ thuật ICT của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo trong các doanh nghiệp chưa cao, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn thiếu sự mạnh dạn đầu tư. Nguồn nhân lực CNTT của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực có chuyên môn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong tháng 10 vừa qua, tỉnh ta là địa phương xếp hạng thấp nhất trong số 63 tỉnh, thành cả nước, do đó yêu cầu cải thiện chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính các cấp”; “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tận dụng có hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ hiện đại, thông minh, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường”. Qua đó khẳng định vị trí, vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025 với Công ty Cổ phần FPT; chuẩn bị ban hành nghị quyết, đề án về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Điều này đã thể hiện sự vào cuộc và quyết tâm cao trong chuyển đổi số; đây cũng là một trong những cơ sở, điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.