Thuận Nam: Chủ động phương án phòng, chống thiên tai

Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Thuận Nam đã chủ động các phương án phòng, chống; đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ở từng đơn vị, địa phương, chuẩn bị mọi điều kiện bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Năm 2021 dự báo thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, mưa bão, lũ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nguy cơ có thể đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân. Để chủ động trong công tác PCTT&TKCN, ngay từ đầu năm, huyện Thuận Nam đã chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt, chia cắt và lên phương án tuyên truyền cảnh báo các khu vực nguy hiểm như xã Phước Dinh, Cà Ná và Phước Diêm; khu vực thường xảy ra lũ lụt ở thôn Hiếu Thiện, Thiện Đức và Vụ Bổn (xã Phước Ninh), thôn Nhị Hà 1, Nhị Hà 2 và Nhị Hà 3 (xã Nhị Hà), thôn Rồ Ôn, thôn Giá và thôn Là A (xã Phước Hà), thôn Nho Lâm, Văn Lâm 1, Văn Lâm 2 và Văn Lâm 3 (xã Phước Nam), thôn Lạc Tiến và Quán Thẻ (xã Phước Minh); các khu vực sạt lở là tuyến đường ven biển; sạt lở núi, đất ở thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh), thôn Thương Diêm 1 và Thương Diêm 2 (xã Phước Diêm)...

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban PCTT&TKCN huyện Thuận Nam cho biết: Dựa trên đặc điểm về tình hình mưa lũ những năm trước, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai công tác PCTT với phương châm “4 tại chỗ”; tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với các loại hình thiên tai ở các khu vực xung yếu, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng; chỉ đạo các xã rà soát những khu vực thường xuyên có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để có phương án di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn; các địa phương chủ động bố trí lực lượng, các thành viên phụ trách địa bàn xuống các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét để ứng cứu kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để huy động lực lượng ứng cứu; tổ chức trực tại các khu vực có nguy cơ cao để theo dõi cảnh báo, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Chuẩn bị sẵn sàng các khu sơ tán để di dời người dân đến nơi ở an toàn khi có mưa lũ xảy ra; bố trí đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, bảo đảm an ninh trật tự; chủ động phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau thiên tai. Thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc duy tu, đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống lũ, ngập lụt, sạt lở; các công trình thủy lợi, giao thông để bảo vệ dân cư, ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để đảm bảo công tác vận hành an toàn các hồ đập, nhất là các hồ chứa có kế hoạch xả lũ, huyện đã chỉ đạo cho Trạm Thủy nông huyện thực hiện nghiêm quy trình vận hành các hồ chứa đã được phê duyệt; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến Nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để các địa phương, đơn vị chủ động sơ tán dân vùng hạ lưu đến nơi ở an toàn; các xã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tham gia sơ tán vùng hạ lưu trước khi xả lũ...

Với sự chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của chính quyền địa phương, tin rằng huyện Thuận Nam sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại trong trường hợp có mưa lũ xảy ra trên địa bàn.